Mẹ bây giờ chợt nhớ mẹ ngày xưa

02/02/2017 - 11:27

PNO - Tôi bỗng nhận ra, trong ký ức của mình về thời thanh xuân của mẹ, luôn luôn là hình ảnh mẹ tôi cô đơn một mình.

Có con đường nào đi ngược chiều trái đất

Đưa cháu đi tìm tuổi trẻ của bà

Như thiên cổ cháu làm sao thấy được

Bà ơi bà thời tuổi trẻ bà đâu?”*

Khi mẹ tôi viết những dòng thơ trên cho bà ngoại của mình, có lẽ mẹ tôi lúc đó còn trẻ lắm. Và tôi hẳn chưa có mặt trong cuộc đời này.

“Khi con lớn lời yêu chớm nụ

Mẹ nhớ mẹ xưa mắt sáng tóc thề

Thuở mới sinh con mẹ còn trẻ lắm

Tiếng chim gù xanh biếc đồng quê

Mẹ ngày xưa trẻ trung đến vậy

Thuở con còn bé bỏng nôi đưa

Mới ban mai đã chiều nhạt nắng

Mẹ bây giờ chợt nhớ mẹ ngày xưa

 Mẹ như cửa sông nhớ về nguồn trong vắt

Biển kề bên sóng cứ muốn ngược lên ngàn

Sóng bạc đầu - mẹ bây giờ, con hỡi

Da diết vô cùng muốn trở lại mẹ ngày xưa”

Khi mẹ tôi viết những dòng thơ trên cho chính mình, có lẽ mẹ tôi bằng tôi lúc này, và tôi khi đó chắc cũng lớn hơn con gái tôi bây giờ một chút.

Me bay gio chot nho me ngay xua
 

Còn tôi, hôm nay ngồi đây, giữa một buổi trưa Sài Gòn yên tĩnh, viết những dòng này dành tặng mẹ tôi, giờ đã là bà ngoại, và đang chịu chứng bệnh mất trí nhớ khiến mẹ không còn nhớ và gọi dù là một tiếng mang tên tôi. Ngày mẹ tôi đau đáu về tuổi trẻ của bà, của mẹ và của chính mình, tôi hẳn vẫn là một đứa trẻ vô tư không hề lo nghĩ.

Giờ đây khi đã là mẹ của hai đứa con, nghĩ về mẹ bây giờ và mẹ ngày xưa, nghĩ về mình, về tuổi trẻ, có một điều gì thật tha thiết, cồn cào trong lòng tôi. Ngày còn đi học, thầy giáo dạy văn của tôi có nói một điều đại khái là khi còn con nít ta sống bằng ước mơ, tuổi trẻ ta sống bằng đam mê và khi về già, ta sống bằng kỷ niệm.

Riêng tôi cứ cho là đã qua bên kia dốc cuộc đời, tôi thấy dù ở tuổi nào, ngoài việc sống với hiện tại của lứa tuổi đó, thì những ký ức là một phần không thể thiếu trong đời sống. Sống ở Sài Gòn cả thời tuổi trẻ, thích và hòa được với nhịp sống nhanh và ồn ào nơi đây, hẳn tôi không phải là một kẻ suốt ngày hoài niệm, mơ mộng viển vông.

Nhưng ở một mức độ nào đó, ký ức chính là thứ làm ta được chậm lại trong nhịp sống nhanh hối hả này. Ở Huế có tiệm bánh khoái Lạc Thiện ngay cửa Thượng Tứ bây giờ đã bị nhiều tiệm khác chất lượng vượt mặt, nhưng mỗi lần trở về tôi luôn ngồi nơi góc đó. Và giật mình nhận ra rằng, phải chăng tôi chọn nơi đây, chỗ ngồi này, chính vì tôi như lại được thấy dáng mẹ tôi năm nào dắt xe ra dưới cơn mưa phùn lạnh tê tái từ cơ quan phía bên kia đường. Những lần về đứng trên hành lang căn nhà cũ, tôi thấy dáng mẹ tôi đạp xe về, giữa lao xao tiếng ve mùa hạ.

Rồi mẹ tôi tóc dài ngang vai hiện ra bên khung cửa sổ, ngoài kia là những tán long não nắng lung linh. Chao ơi là đẹp. Nếu mẹ tôi không bị mất trí nhớ, liệu mẹ tôi có nhớ, có thương, có tiếc tuổi trẻ của mình như tôi bây giờ thương tuổi trẻ của mẹ không? Có những đêm đã khuya, nhà cao tầng nên những đêm trời trở gió thường khó ngủ; những lúc đó, không hiểu sao hình ảnh của mẹ tôi hồi trẻ cứ hiện về.

Đó là một sáng mùa đông, mẹ cứ nhoài người ra cửa sổ toa tàu, níu bàn tay nhỏ bé của tôi đứng tiễn dưới sân ga cho tới khi con tàu phóng nhanh không còn giữ lại được, rồi xa dần xa dần. Đó là một chiều hoàng hôn cuối tuần, ba cha con tôi ngồi trên đê Yên Phụ, ngóng dáng mẹ hiện ra từ con dốc sau một tuần xa nhau do mẹ tôi bận học.

Tôi bỗng nhận ra, trong ký ức của mình về thời thanh xuân của mẹ, luôn luôn là hình ảnh mẹ tôi cô đơn một mình. Và hình như, không, đúng ra, mẹ con tôi hầu như không chia sẻ với nhau bất cứ điều gì. Một điều gì đó trong lòng tôi, vừa thương vừa xót xa, tiếc nuối. Giá như mẹ con mình gần nhau thêm chút nữa…

Tôi viết những dòng này trước tiên dành tặng mẹ tôi. Còn nhớ trong bộ phim về một nữ giáo sư ngành ngôn ngữ học cũng bị căn bệnh mất trí nhớ, tới hồi bệnh nặng, khi nghe con gái đọc một đoạn kịch và được hỏi có hiểu không, bà trả lời chỉ một từ “Tình Yêu”.

Mẹ tôi không được may mắn như thế, dù chỉ một từ thôi. Nhưng có thể, mẹ may mắn hơn rất nhiều người, khi không còn nhớ gì về quá khứ, chẳng lo sợ gì cho tương lai, nhưng vẫn biết cười khi nhìn thấy những hình ảnh ngộ nghĩnh trước mặt.

Tuy lòng con đau đớn lắm, khi thấy mẹ không khác gì một đứa con nít không những không lớn lên mà ngày càng nhỏ lại, nhưng con vẫn an ủi mình, rằng làm con nít thật hạnh phúc, vâng, hạnh phúc hơn người lớn, chắc chắn thế. Ước gì có một phép mầu, mẹ tôi có thể không cần nhớ nhưng hiểu được lời tôi nói, tôi sẽ nói rằng, dù thiếu vắng nhiều thứ, nhưng tuổi trẻ của mẹ đẹp lắm, mẹ ơi.

Tôi viết những dòng này với ước mong chia sẻ được với những người làm cha làm mẹ như tôi. Rằng hãy đừng như tôi, sân ga kỷ niệm của mẹ con tôi chỉ có hình ảnh cô đơn của mẹ. Rằng các bạn may mắn hơn thời của mẹ tôi rất nhiều, mẹ tôi không có ai khuyên nhủ, không được đọc những cuốn sách học làm người, để hiểu rằng, gần gũi con cái trong mọi độ tuổi là điều mỗi chúng ta phải ý thức, phải hành động để làm đầy hiện tại mà sẽ là kho kỷ niệm về sau, giàu có hay không là do tích cóp từ mỗi phút giây hiện tại.

Trong thời đại mà giới trẻ ngày càng độc lập và tách rời cha mẹ, thì việc làm bạn và chia sẻ được với con cái không những đến từ cảm xúc, mà cả từ ý thức và hành động.

Tôi viết những dòng này như lời nhắn gửi cho những đứa con, trong đó có cả con trai và con gái tôi. Rằng một ngày kia ba mẹ mình sẽ già, sẽ trở thành ông thành bà, hãy để những câu chuyện bên những đứa cháu của họ mà cũng chính là con cái của các bạn, luôn tràn đầy những nụ cười mãn nguyện, những ánh mắt yêu thương, rằng “hồi đó mẹ của con đêm nào cũng kể cho bà nghe những chuyện bạn bè buồn vui hàng ngày”, rằng “hồi đó ba con lớn tướng rồi mà mỗi lần giận bạn gái vẫn vào tỉ tê với ông nội xin lời khuyên”, rằng “hồi đó cuối tuần như một quy định của gia đình, cả nhà luôn dành thời gian bên nhau.”

Vẫn biết dù bạn là người mạnh mẽ đến mấy, biết tận hưởng hiện tại đến mấy, thì đặc biệt khi tuổi già gõ cửa, mỗi lần nhớ về những kỷ niệm là mỗi lần ta không khỏi bùi ngùi - vì đôi mắt mờ đầy chân chim mái tóc bạc hôm nay làm sao không khắc khoải về ánh mắt sáng mái tóc thề ngày ấy, vì một thời thơ ấu nghịch ngợm đã qua, vì một thời thanh xuân không thể trở lại, vì thời gian trôi quá nhanh…

Tôi nhớ ngày ba tôi bị tai biến nằm liệt trên giường cách đây gần 20 năm, đối diện với ông mười mấy tiếng mỗi ngày chỉ là cái trần nhà, ánh mắt nhìn trân trân lên trần cùng với câu hát lẩm nhẩm hôm ấy của ba vẫn ám ảnh tôi đến bây giờ “Chỉ còn là kỷ niệm, thế thôi…”.

Ai cũng có một tuổi trẻ để thương, ai cũng có một thời để nhớ… hãy làm giàu ký ức bằng hình ảnh những người ta yêu thương luôn được bên nhau, thật ấm, thật thân, thật gần. 

Hoàng Dạ Thư

(*) Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI