Đổ xô lên mạng làm phim

20/03/2017 - 19:00

PNO - Chẳng có đoàn phim online nào đầu tư các dàn máy quay phim, thiết bị nặng nề mà chỉ đơn giản là một máy quay cầm tay hoặc thậm chí là một chiếc smartphone có khả năng quay phim chuẩn 4k.

Đã xưa rồi, chuyện quay clip tung lên mạng để tìm sự quan tâm của cộng đồng nhằm thỏa mãn nhu cầu được chú ý. Hiện nay, với mức thu nhập cao qua lượt người xem, việc làm phim, ghi hình để phát hành trên mạng đã thu hút khá nhiều người tham gia...

Dễ như làm phim online

 Với “cơ cấu” một “đoàn làm phim” theo kiểu để phát lên mạng cực kỳ tinh giản, gồm đạo diễn có thể là diễn viên và diễn viên cũng có thể đảm nhận luôn phần hậu kỳ, tự lo trang phục nên thị trường này đang phát triển hết sức sôi động. Với đặc trưng diễn hài độc thoại, ê kíp của Dưa Leo chỉ có vài người với phục trang, đạo cụ tối giản, thực hiện các clip hài và những phần bình luận các vấn đề xã hội do chính anh tự lên nội dung, tự diễn.

Nhóm Kem Xôi TV cũng chỉ có vài diễn viên và diễn lại các chuyện hài kiểu dân gian, sao chép hài nước ngoài. Nếu như một đoàn phim, khi ra hiện trường sẽ cần phải xin hàng loạt giấy phép, có khi phải chặn cả một đoạn đường làm bối cảnh thì các “đoàn phim online” chỉ cần một góc sân trường, một cầu thang hoặc dùng chính nhà diễn viên, đường phố làm bối cảnh. 

Do xo len mang lam phim
Những cảnh quay đồng tính, gợi dục xuất hiện nhan nhản trong các clip của nhóm Ghiền Mì Gõ, đạt hàng triệu lượt xem (ảnh chụp màn hình)

Chẳng có đoàn phim online nào đầu tư các dàn máy quay phim, thiết bị nặng nề mà chỉ đơn giản là một máy quay cầm tay hoặc thậm chí là một chiếc smartphone có khả năng quay phim chuẩn 4k. Cộng với kịch bản không quá phức tạp, nội dung đơn giản (chủ yếu nhấn vào yếu tố hài hước và cả phim lẫn clip đều có thời lượng ngắn để dễ chia sẻ), cách làm này giúp các nhóm tiết kiệm tối đa kinh phí sản xuất.

Chẳng hạn, nhóm Ghiền Mì Gõ làm các clip hài ngắn, thời lượng tối đa chỉ 5 phút/tập; nhóm Nhạc Trắng chọn hướng chế lại lời các ca khúc để hát, chỉ với hai diễn viên và những hình ảnh thu lượm trên internet; nhóm Kem Xôi TV, FapTV... cũng làm clip hài. Quan trọng là, với hàng trăm ngàn đến hàng triệu lượt xem (view), các nhóm đã thu về một số tiền đáng kể mà không phải chờ đợi như khi làm phim với nhà đài, càng không phải chịu sự kiểm duyệt gắt gao, không phải cắt sửa để đạt yêu cầu phát sóng.

Ngay cả những đơn vị lớn, vốn trước nay chỉ làm chương trình truyền hình như Đông Tây Promotion, Cát Tiên Sa hiện cũng đã hướng sự chú ý đến YouTube, có các clip riêng để phát lên mạng, song hành với những chương trình truyền hình...

Theo cách tính hiện nay của YouTube, các video clip có chèn quảng cáo sẽ nhận được trung bình 2.000 USD cho mỗi một triệu lượt xem. Số tiền này, Google sẽ lấy một nửa (vì là đối tác tìm kiếm quảng cáo cho nhà cung cấp nội dung). Mỗi khi số lượt xem đạt mức 50 USD, tiền sẽ được chuyển ngay cho các nhóm mà không phải chịu thuế.

Với khả năng lưu trữ vô hạn của YouTube, một clip sẽ tiếp tục mang lợi nhuận về cho nhà sản xuất cho đến khi nào vẫn còn người xem chứ không phải lệ thuộc vào kênh phát sóng như so với các đài truyền hình. Không ngạc nhiên vì sao ngày càng có nhiều ca sĩ chọn phát hành MV qua YouTube thay cho các kênh truyền thống, các mạng chia sẻ âm nhạc. 

Hãi hùng nội dung, vô phương quản lý

Do xo len mang lam phim
1 clip của Thánh Lồng Tiếng

Cho đến giờ, ngoại trừ bộ phim CH69, nhóm thực hiện chương trình Những kẻ lắm lời (NKLL) và ê kíp làm các video cosplay siêu nhân, công chúa bị cơ quan chức năng sờ gáy vì nội dung quá dung tục, phản cảm, phi giáo dục, gần như chưa thấy có sự lên tiếng nào từ các nhà quản lý với một số nội dung hiện đang bị khán giả phản ứng. Thế nhưng, ngay cả với những nhóm có tên tuổi, diễn viên chuyên nghiệp như CH69, NKLL thì khi bị xử lý, các nhóm vẫn  tuyên bố sẽ tiếp tục làm những chương trình khác.  

Nhóm Ghiền Mì Gõ, với trung bình mỗi clip đạt ba triệu lượt view, đến nay đã phát đến hơn 100 tập thì rõ ràng số tiền thuế thất thu đã hết sức đáng kể. Chưa kể, trong các clip, nội dung chủ yếu là quảng cáo thì số tiền này cũng không được báo cáo, cơ quan chức năng cũng không thu được đồng thuế nào.

Không phải là doanh nghiệp, không đăng ký với cơ quan quản lý, cũng không phát trên bất kỳ kênh chính quy nào nên trong phần nội dung, các video clip này cũng không cần tuân thủ các chuẩn mực. Trải dài qua các clip của Ghiền Mì Gõ là những cảnh khoe ngực của diễn viên Phí Huyền Trang, cảnh các diễn viên nam thể hiện sự thèm thuồng những đường cong lồ lộ, ít vải.

Các clip của Thánh Lồng Tiếng là đoạn trích từ những bộ phim từng được phát sóng, lồng tiếng lại theo các sự kiện thời sự “hot” để quảng cáo cho các đơn vị. Hành vi vi phạm bản quyền là rất rõ ràng, nhưng không bị ai xử lý. Những tiếng chửi thề đầy rẫy trong clip của Dưa Leo cũng không bị hạn chế.

Xem qua các clip hot nhất trên YouTube do các nhóm thực hiện, có thể dễ dàng nhận thấy, nội dung chính yếu của chúng chỉ gói gọn trong hai từ: sex và bựa. Đây cũng là cách để các clip lan đi, được nhiều người chia sẻ và mang về cho các nhóm thực hiện những nút bạc, nút vàng trước sự bất lực của cơ quan chức năng.

Do xo len mang lam phim
 

Về mặt hành chính, nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết về các hành vi bị cấm khi cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng, thông tin công cộng qua biên giới. Song cho đến nay, dường như cơ quan quản lý vẫn chỉ mới chạm đến những “thằng có tóc” là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, game online, các báo và trang thông tin điện tử, gần như buông lỏng hoàn toàn các nhóm làm clip tự phát này. Kể cả khi CH69 hay NKLL bị xử lý thì đó cũng chỉ là bước chạy theo khi dư luận lên tiếng quá nhiều và phản ứng quá gay gắt.

Lên mạng làm phim, làm clip là một xu hướng không thể ngăn chặn. Từ góc độ quản lý, cần tạo một hành lang thông thoáng để người Việt, nghệ sĩ Việt có thể cạnh tranh với các nước và để họ bước ra thế giới. Song bên cạnh đó, cũng rất cần các biện pháp chế tài để đảm bảo nội dung của các video clip không vượt quá các chuẩn mực xã hội theo kiểu câu view rẻ tiền. 

Hoàng Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI