Cha không trả giấy tờ, con thất học

13/03/2019 - 08:40

PNO - Cô bé Bourges Yumi có quốc tịch Pháp, hiện đang sống ở Việt Nam. Gần một năm qua, em bị gián đoạn việc học, tương lai vô định do mâu thuẫn giành con giữa cha mẹ chưa biết bao giờ kết thúc.

Đi không được, ở không xong

Năm 2004, bà Ngô Thụy Quỳnh Anh (trú tại Q.Bình Tân, TP.HCM) kết hôn cùng ông Bourges Sebastien Roger Paul (gọi tắt là Seb) tại Pháp. Năm 2006, khi Yumi - con chung giữa hai người được ba tháng tuổi, họ quyết định về Việt Nam làm ăn. Theo bà Anh, không lâu sau, bà phát hiện ông Seb qua lại với một phụ nữ khác khiến vợ chồng nảy sinh cãi vã. Họ quyết định ly hôn sau một thời gian dài sống ly thân. Tháng 7/2009, bản án của Tòa án nhân dân (TAND) Q.8 tuyên chấp nhận sự thuận tình ly hôn giữa bà Anh và ông Seb, Yumi do mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Sau đó, ông Seb kháng cáo xin giành quyền nuôi con.

Cha khong tra giay to, con that hoc
Bà Anh và con gái Yumi.

Theo pháp luật Việt Nam, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam cùng người nước ngoài phù hợp với pháp luật nước sở tại thì được công nhận tại Việt Nam, với điều kiện việc công nhận kết hôn này phải được ghi trong sổ đăng ký hộ tịch. Trong khi đó, sau khi về Việt Nam, cả ông Seb và bà Anh không thực hiện việc ghi chú đã kết hôn trong sổ đăng ký hộ tịch. Do đó, tháng 9/2009, cấp phúc thẩm TAND TP.HCM tuyên không công nhận hai người là vợ chồng, bà Anh vẫn được quyền trực tiếp nuôi dưỡng bé Yumi mà không cần chồng cấp dưỡng.

Để chấm dứt quan hệ hôn nhân, họ phải về Pháp xin ly hôn. Tòa án Pháp tuyên cho ly hôn, mỗi người được trực tiếp chăm sóc Yumi 50% thời gian tùy sự phân bổ. Sau đó, ông Seb kết hôn cùng một phụ nữ Việt Nam, hiện tạm trú tại Q.2, TP.HCM; bà Anh kết hôn cùng người đàn ông Pháp. 

Do có cuộc sống, công việc ổn định tại Pháp sau khi lập gia đình, bà Anh không định trở về Việt Nam sinh sống. Tháng 7/2017, trong một lần ông Seb về Pháp, bà Anh thực hiện quyết định của tòa án nước này nên đưa Yumi đến cho chồng cũ trông nom theo yêu cầu của ông. Không ngờ, chỉ vài tuần sau, ông Seb giấu bà, lén mang con gái về Việt Nam sống với vợ chồng ông, đăng ký cho Yumi học trường Pháp tại Việt Nam.

“Từ đó, tôi gần như mất toàn bộ kết nối với con gái. Yumi hỏi về mẹ và vì sao chúng tôi ly hôn, ông Seb kể với con rằng tôi bị điên khiến ông phải ly hôn và tôi cũng không là người đáng tin cậy để Yumi sống cùng” - bà Anh cho biết. Hơn thế, trong danh bạ điện thoại, ông Seb còn cài ảnh đại diện số điện thoại vợ cũ bằng tấm hình được lấy từ phim kinh dị. Mỗi lần bà gọi, dù ông Seb đưa điện thoại cho con song Yumi từ chối. Cô bé cũng ngại gọi cho mẹ, bởi vừa bấm số bà Anh là màn hình hiện lên gương mặt gớm ghiếc. 

Ông Seb giải thích hành vi này rằng, ông là người nước ngoài, văn hóa yêu ghét rõ ràng nên có quyền thẳng thắn bày tỏ cảm nhận hình ảnh vợ cũ như tấm ảnh đại diện. Song, bà Anh tin rằng việc làm này đã góp phần chia tách mối quan hệ mẹ con, khiến cô bé sợ hãi mẹ. Cố gắng làm việc kiếm đủ tiền, tháng 3/2018, bà Anh về Việt Nam tìm gặp con gái. Sau mười ngày tìm kiếm, bà cũng gặp được con gái tại một phòng nha khoa. Do trước đó, mẹ của bà ở Mỹ đã gửi 1.500 USD cho ông Seb làm răng cho Yumi. Lúc này, ở tuổi 13, Yumi nói muốn được sống với mẹ. Cô bé đồng ý nghỉ học tại trường Pháp để chờ mẹ đưa sang Pháp sống.

Thế nhưng, gần một năm qua, hai mẹ con bà Anh rơi vào tình trạng sống “vất vưởng”. Bà Anh không thể để con ở lại Việt Nam trong khi ông Seb kiên quyết không trả lại passport - hộ chiếu của Yumi để cô bé về Pháp theo mẹ. Việc học của Yumi vì thế cũng gián đoạn trong thời gian này. Yumi đau khổ: “Con mang quốc tịch Pháp, muốn về Pháp, muốn sống với mẹ và muốn cha trả lại hộ chiếu cho con”.

Cha khong tra giay to, con that hoc
Trường học ở Pháp mà bà Anh xin cho Yumi học tiếp tục thông báo chấp nhận cho Yumi về học.

Không nơi nào giải quyết?

Bà Anh hiện vẫn là công dân Việt Nam. Thực hiện quyết định của TAND TP.HCM, bà là người trực tiếp nuôi dưỡng Yumi và theo luật, người trực tiếp nuôi dưỡng/giám hộ trẻ chưa thành niên phải đồng thời nắm giữ mọi giấy tờ tùy thân của trẻ. Việc ông Seb không trả lại hộ chiếu - giấy tờ tùy thân của Yumi để bà giữ liệu có đúng? “Ngược lại, trường hợp tôi về Pháp sinh sống, thực thi bản án của tòa án nước này thì ông Seb đã vi phạm pháp luật do mang con rời khỏi Pháp mà không có sự đồng ý của tôi. Ông cũng đã không tuân thủ quyết định mỗi người chăm nuôi con một nửa thời gian của tòa”, bà Anh khẳng định.

Bà Anh và con gái gõ cửa khắp nơi xin giúp đỡ. Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM cho rằng, hộ chiếu của Yumi không bị mất, do đó không giải quyết cấp lại. Đến Công an Q.2, mẹ con bà được hướng dẫn gửi đơn lên TAND TP.HCM. Tuy nhiên, TAND TP.HCM đã trả lại đơn kiện do hộ chiếu - đối tượng tranh chấp không phải là tài sản tranh chấp. 

Làm việc với chúng tôi, ông Seb nêu điều kiện chỉ trả lại hộ chiếu của con gái nếu đó thực sự là mong muốn của con mình sau cuộc gặp gỡ trực tiếp chỉ giữa ông và Yumi. Đồng thời, bà Anh muốn mang con về Pháp trong khi ông đã ổn định cuộc sống tại Việt Nam, do đó ông cần sự rõ ràng của bà Anh thông qua một quyết định mang tính pháp lý của cơ quan có thẩm quyền tại Pháp. Quyết định này thể hiện Yumi sống ở đâu tại Pháp, học hành tại đâu, ra sao và những lần gặp gỡ ông sau này sẽ diễn ra cụ thể thế nào. Bà Anh cho hay, những yêu cầu của chồng cũ rất khó thực hiện bởi chẳng có cơ quan chức năng nào tại Pháp có thể giúp bà đưa ra một quyết định như vậy. Tuy vậy, mấy năm nay, bà đã đăng ký cho Yumi một trường học tại Pháp. Chiếc ghế trống ấy vẫn đang chờ Yumi và hiệu trưởng cam kết sẽ tiếp tục chờ.

Trước cuộc giằng co không hồi kết này, tiền bạc cạn dần, mới đây, bà Anh đã gửi đơn đến TAND Q.2 yêu cầu ông Seb ngoài trả lại hộ chiếu cho con, phải cấp dưỡng nuôi con 15 triệu đồng/tháng cho đến tuổi trưởng thành. Đồng thời, bà yêu cầu tòa án hạn chế quyền tiếp cận con gái của ông Seb do nhiều lần chồng cũ tìm đến quấy rối mẹ con bà, dù Yumi không muốn gặp mặt ông. TAND Q.2 hiện đã thụ lý đơn kiện này của bà Anh. Trong khi chờ đợi, Yumi cho biết, em cảm thấy quá buồn chán, bởi mong muốn lớn nhất là về Pháp không thực hiện được, tương lai không biết sẽ ra sao. 
Chỉ bốn năm nữa, Yumi sẽ có đủ quyền tự định đoạt cuộc đời mà không cần sự giám hộ của ai. Khi ấy, cô bé có thể tự làm lại hộ chiếu cho mình. Chỉ tiếc rằng, bấy giờ và cho suốt cuộc đời mình, nhìn lại những năm tháng bị bỏ lỡ, bị cướp mất hôm nay, Yumi sẽ suy nghĩ gì về bậc sinh thành? 

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM):

Trong câu chuyện này, ông Seb đã vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật Pháp, không chấp hành cả hai bản án. Việc ông đang sinh sống tại Việt Nam nhưng không chấp hành pháp luật Việt Nam thì các cơ quan hữu trách, cụ thể là Công an Q.2, Công an TP.HCM có thẩm quyền giải quyết, buộc ông phải trả lại giấy tờ tùy thân cho Yumi. 

Yumi đang ở Việt Nam, được tòa Việt Nam ban quyết định mẹ là người giám hộ, do đó bắt buộc phải có giấy tờ tùy thân để bà Anh thực hiện các quyền và nghĩa vụ của con theo yêu cầu của pháp luật Việt Nam đối với công dân nước ngoài. 

Theo tôi, trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết vụ việc đồng thời thuộc về Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM. Do Yumi mang quốc tịch Pháp thì quyền lợi của công dân phải được cơ quan này giải quyết để Yumi có cơ hội được về nước học tập, ổn định cuộc sống. 

Các cơ quan chức năng cần sớm can thiệp trước hành vi ông Seb đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường của con. Song song đó, theo Bộ luật Hình sự Việt Nam, hành vi tìm đến nhà bà Anh quấy rối của ông Seb đã có đủ căn cứ pháp lý để bà Anh kiện chồng cũ ra tòa.

TUYẾT DÂN 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI