Chuyện Sơn Đoòng ra thế giới

16/05/2015 - 07:19

PNO - PN - Một không gian lung linh có một không hai đến từ Việt Nam đã được cả thế giới chiêm ngưỡng trên chương trình Good Morning America nổi tiếng của kênh truyền hình ABC News (Mỹ) lúc 18g ngày 13/5 (giờ VN). Chuyện di sản thiên nhiên Việt ra thế giới, chỉ mới bắt đầu.

edf40wrjww2tblPage:Content

Không chỉ cho khán giả cảm nhận sự kỳ vĩ tưởng như chỉ có trong cổ tích, với những thạch nhũ hàng triệu năm chưa từng thấy hay thảm thực vật làm các nhà khoa học không tin vào mắt mình…, chương trình còn cung cấp thông tin về Sơn Đoòng bằng những ước lượng sống động: độ rộng của hang động có thể chứa hai máy bay Boeing 747 cùng lúc, độ cao có thể chứa một tòa nhà 40 tầng. Trước đó, Good Morning America giới thiệu: “Chúng tôi từng đưa các bạn đến tận ngọn núi lửa đang phun trào, còn lần này lần đầu tiên chúng tôi sẽ đưa các bạn bay trong một khung cảnh vô cùng ngoạn mục, một hang động khổng lồ, đủ cho chiếc máy bay Boeing 747 đậu bên trong. Hãy tận hưởng chương trình truyền hình trực tiếp Good morning America từ một kỳ quan thiên nhiên thế giới”.

Sơn Đoòng là điểm đầu tiên tại châu Á và là hang động đầu tiên trên thế giới được ABC News truyền hình trực tiếp. Ông Nguyễn Châu Á - Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Oxalis, cho biết ABC News đưa ra nhiều yêu cầu nghiêm ngặt trong quá trình đàm phán để thực hiện chương trình, trong đó, yêu cầu cao nhất là bảo mật thông tin. Trước khi chương trình phát sóng, hãng từng có ý định hủy bỏ do nguy cơ thông tin bị lộ.

Chuyen Son Doong ra the gioi

Kinh phí để thực hiện chương trình này là 465.000 USD (trong đó công ty khai thác lữ hành quốc tế Oxalis, hiện đang là đơn vị duy nhất khai thác tour Sơn Đoòng, chi trả 115.000 USD, ABC News chi phần còn lại). Không chỉ MC nổi tiếng của chương trình là Ginger Zee bày tỏ sự kinh ngạc của mình khi đặt chân đến đây, mà hàng triệu người nước ngoài khi được nhìn thấy những hình ảnh qua camera bay, cũng không giấu được sự thán phục về vùng đất bí ẩn này.

“Tôi muốn đến Sơn Đoòng” là bình luận của hầu hết khán giả trên thế giới sau khi xem chương trình của ABC News. “Không thể nào tin đây là những cảnh có thật, là nơi có thật trên thế giới này”, Nonal Parker đăng tải trạng thái trên mạng xã hội Twitter. “Thật kinh ngạc, tôi không thể tin có một thế giới như thế này tồn tại. Cái gì đã giữ nơi ấy được giấu kín lâu đến thế?” là dòng cảm thán của John Esposito. Trong khi đó, Fred Russell để lại dòng bình luận: “Tôi phải làm sao đây, tôi muốn đến nơi này quá”. Riêng với khán giả Việt, hầu hết đều dâng lên niềm tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước mình.

Chuyen Son Doong ra the gioi

Hiện tại, du khách dễ dàng khám phá các di sản thiên nhiên khác của Việt Nam bằng nhiều phương tiện và giá cả không cao so với các địa điểm khác trong khu vực, trừ Sơn Đoòng. Ngay từ khi bắt đầu khai thác vào năm 2014, mức giá để một người có thể đặt chân đến đây là 3.000 USD, và với số lượng khách rất hạn chế. Ngay khi mở dịch vụ, Oxalis thông báo lịch tour đã kín đến hết năm 2016. Không phải có tiền là có thể đến Sơn Đoòng. Du khách được khuyến cáo rèn luyện, tập thể lực vì hành trình vào hang động không dành cho những người sức khỏe kém.

Chuyen Son Doong ra the gioi

Đây không phải là lần đầu tiên Sơn Đoòng lọt vào mắt người nước ngoài. Trước đây, nhiều du khách đã rúng động khi nhìn thấy hình ảnh Sơn Đoòng lần đầu tiên trên National Geographic, khi các nhà thám hiểm Anh chính thức đặt chân đến đây. Các di sản khác như cao nguyên đá Đồng Văn, Phong Nha - Kẻ Bàng, Hạ Long… cũng từng được đề cập không ít lần trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Ngành du lịch, văn hóa làm gì tiếp theo, sau khi có được cơ hội tốt để thu hút khách quốc tế?

Bên cạnh sự trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp của Sơn Đoòng, không ít người cảnh giác: “Nhớ đừng để nơi này biến thành bãi rác”, “Đừng biến nó trở thành một nơi mà sự đông đúc của dấu chân người có thể làm hại hệ sinh thái”… Thực tế, những “dặn dò” đó không phải là không có lý, khi vịnh Hạ Long hay các di sản thiên nhiên khác không để lại ấn tượng tuyệt đối đối với du khách. Tình trạng chặt chém, không có hệ thống dịch vụ đi kèm, xả rác tràn lan, không kiểm soát tác động của du lịch đối với môi trường… đã khiến các di sản này chưa thể bứt phá. Chuyện Sơn Đoòng ra thế giới lần này, vì thế cũng chỉ là một sự bắt đầu cho hành trình dài cần sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ trong thời gian tới.

 VÕ HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI