Tại sao những đứa trẻ bị bạn bè đánh đập thường im lặng?

01/11/2017 - 13:30

PNO - Khi xem những clip học sinh đánh nhau, người ta thường chỉ trích đứa trẻ đánh bạn, mắng cha mẹ không biết dạy con, người ta dè bỉu những kẻ ngoài cuộc vô tâm.

Họ thương xót cho nạn nhân, cho cha mẹ của đứa trẻ bị bạo hành.

Nhưng tôi cứ thấy lạ, vì sao những học sinh bị giẫm đạp không phản kháng, la lên hay bỏ chạy? Sao họ không dám nói với cha mẹ, thầy cô; để đến khi người thân nhìn thấy đoạn clip trên mạng mới đau lòng nhận ra con trong đó?

Tai sao nhung dua tre bi ban be danh dap thuong im lang?
Ảnh minh họa

“Nếu bị bắt nạt, bạn có nói với ba mẹ không?”. Đáp lại câu hỏi của tôi, đa số bạn bè đều cười, lắc đầu, bảo nói cũng chẳng để làm gì, lại bung bét ra. Tôi không hiểu. Người lớn vốn là lá chắn an toàn nhất của mọi đứa trẻ, có thể bảo vệ chúng khỏi nguy hiểm. Từ khi nào niềm tin vào lá chắn này không còn?

Khi xảy ra mâu thuẫn, kẻ có sức mạnh tất nhiên sẽ chiếm ưu thế; người không thể tự vệ lúc này chỉ có thể tìm người mạnh hơn để bảo vệ mình. Người bảo vệ ở đây là trường học, gia đình. Học sinh cần phải cảm thấy được sự bảo vệ tuyệt đối ở người lớn. Tuy nhiên, ứng xử của gia đình và nhà trường qua từng vụ việc không còn khiến bạn bè tôi tin nữa.

Một trong những lý do mà nạn nhân bạo hành không dám lên tiếng là nỗi sợ lại bị đánh, thậm chí bị (dọa) giết. Nỗi sợ khiến họ quên mất rằng, đối phương cũng chỉ là học sinh như mình. Nếu người lớn biết, chắc chắn mình sẽ được bảo vệ, thậm chí có thể khiến kẻ kia bị trừng phạt.

Họ sợ phiền phức, sợ bị chê là hèn nhát, mách lẻo? Đây là những thứ tự trọng không đúng chỗ. Con người nên biết tự đứng dậy bảo vệ bản thân bằng bất cứ giá nào khi bị đàn áp, và hành vi tự vệ không bao giờ là hèn nhát.

Tai sao nhung dua tre bi ban be danh dap thuong im lang?
Ảnh minh họa

Vì không quý trọng bản thân, họ cắn răng chịu đựng thay vì phản kháng? Hay vì người thân “quá bận rộn” đến mức những đứa con cảm thấy việc của chúng làm phiền ba mẹ, quá khắt khe đến mức chúng sợ nói ra sẽ dễ bị gán tội?

Mỗi chúng tôi đều là những đứa con quý giá của gia đình, dù sai dù đúng đều không đáng bị giẫm đạp và ức hiếp như thế. Mọi học sinh đều nên được dạy để hiểu việc bảo vệ bản thân quan trọng thế nào.

Khi giải quyết các vấn đề của học sinh, có lẽ phụ huynh nên bàn bạc trước với những đứa con của họ, đồng thời thường xuyên trò chuyện để tạo dựng niềm tin. Tạo nên một lá chắn hoàn hảo là không thể, nhưng ít nhất, đối với chúng tôi - những học sinh, hãy khiến nó làm chúng tôi cảm thấy an toàn và tin tưởng.

Hồ Công Khánh Vân 
(lớp 11/21, Trường Quốc tế Á Châu)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI