Chàng trai Việt đạt học bổng cao nhất của Hàn: Không đi làm thêm vẫn có tiền gửi bố mẹ

07/07/2016 - 05:55

PNO - Dù dành trọn thời gian cho việc học nhưng với cách chi tiêu tiết kiệm, hợp lý, mỗi tháng, Quyết vẫn có một khoản tích cóp 500-600USD gửi về cho bố mẹ.

Kinh nghiệm "săn" học bổng cao nhất của Hàn

Chia sẻ về cách để đạt được một trong những học bổng du học cao nhất của Hàn, bạn Nguyễn Ngọc Quyết (sinh năm 1991, Từ Sơn, Bắc Ninh), cao học viên năm nhất viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) tại thành phố Seoul cho biết: "Quá trình xin học bổng của Hàn với tôi là một trải nghiệm khá thú vị…”

Tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội) với tấm bằng giỏi cùng điểm trung bình 3.57/4.0, xếp trong top 10 sinh viên của khoa, cùng các giải thưởng nghiên cứu, Quyết đã xin được hai suất học bổng bậc Tiến sỹ tại Đại học Kitakyushu của Nhật Bản và Korea University của Hàn Quốc vào mùa thu 2014. Tuy nhiên, với mục tiêu chọn Hàn Quốc để học Thạc sỹ là bước đà cho bậc học Tiến sỹ tại châu Âu, đồng thời chinh phục suất học bổng có giá trị cao nhất của Hàn Quốc, Quyết từ chối và chọn cách chờ đợi, làm dày thêm bảng thành tích của mình.

“Tôi nghĩ bảng điểm đẹp, thành tích học hành, nghiên cứu là chưa đủ, muốn chinh phục học bổng cao hơn thì còn cần phải có thêm nhiều thứ, như một công bố khoa học, kinh nghiệm làm việc… nên tôi quyết định lùi lại một kỳ học lên Viện Khoa học công nghệ để làm đề tài nhằm công bố bài báo khoa học, đồng thời có chứng nhận kinh nghiệm làm việc sẽ giúp cho hồ sơ thêm sức nặng”, Quyết chia sẻ.

Chang trai Viet dat hoc bong cao nhat cua Han: Khong di lam them van co tien gui bo me
Ngôi trường Quyết đang theo học chương trình thạc sĩ bên Hàn.

Sau ba vòng thi loại, Quyết được chọn để trở thành một trong mười gương mặt của Việt Nam đoạt học bổng Toàn phần có trị giá 40.000 USD cho bậc học Thạc sỹ của Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc cho kỳ học mùa thu 2015.

Quyết cho biết: “Tôi nhận thấy đây là một môi trường học tập khá thuận lợi. Cách giáo dục của họ thực tế, bám sát các nghiên cứu mang tính ứng dụng, thiên về thực hành nhiều hơn là việc học thuộc và nặng về Hàn lâm. Đây thật sự là một lợi thế cho người học, khi có thể mài dũa các kĩ năng thực nghiệm, khả năng tạo lập ý tưởng, thiết kế đề tài, là nền tảng vững chắc nếu muốn làm một nhà khoa học thực thụ sau này.

Tuy nhiên, thời gian đầu, có một chút sốc văn hóa, đặc biệt là trong cung cách làm việc. Ở Hàn, thời gian và cách làm việc rất nghiêm khắc. Đúng 9h sáng bắt đầu vào phòng thí nghiệm và 7h tối về, trong lúc làm việc, thời gian để lướt web bị nghiêm cấm, thay vào đó là nghiên cứu và tìm hiểu các công trình có liên quan tới đề tài đang tiến hành. Người học phải làm việc thật nghiêm túc, liên tục và kỉ luật rất cao.

Chang trai Viet dat hoc bong cao nhat cua Han: Khong di lam them van co tien gui bo me
Phòng thí nghiệm là nơi làm việc chính của Quyết trong những giờ thực hành.

Chính điều đó, đôi khi làm người học tới từ một quốc gia như Việt Nam lúc đầu cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng. Thêm vào đó, văn hóa Hàn có phần gia trưởng hơn Việt Nam. Các giáo sư hoặc người hướng dẫn rất ít khi chịu lắng nghe ý kiến của sinh viên. Họ thường coi các sinh viên là newbie (lính mới) hơn là các nhà khoa học trẻ. Với các ý tưởng mới từ sinh viên, họ thường không coi trọng mà thay vào đó là sinh viên cần tuân phục và làm theo những gì họ hướng dẫn và đã thiết kế sẵn”.

Làm thế nào để có mức chi tiêu hiệu quả, tiết kiệm?

Chàng trai Bắc Ninh cũng cho biết: "Việc học bên này khá vất vả và tốn nhiều thời gian, học bổng này đã được thiết kế để mang lại sự yên tâm về mặt tài chính cho sinh viên nhằm hướng sinh viên tới sự toàn tâm cho học hành và nghiên cứu nên không cho phép việc bỏ ra làm thêm. Tuy nhiên, với khoản học bổng hàng tháng, sau khi trừ bỏ học phí có giá trị xấp xỉ 1.200 USD, tôi không gặp nhiều vấn đề trong sinh hoạt. Do kinh tế gia đình khá thấp bởi bố mẹ làm nông là chủ yếu nên tôi lên kế hoạch chi tiêu để tiết kiệm tiền gửi về cho gia đình. Tính ra, mỗi tháng tôi vẫn có thể tiết kiệm được 500-600 USD để gửi về nhà.

Tôi thích những trải nghiệm. Du lịch, phượt, khám phá những danh thắng, những dấu tích của nền văn hóa cổ là một niềm đam mê bất tận. Để tiết kiệm tiền, tôi thường đi du lịch “bụi”. Săn vé giá rẻ, tự lang thang trên những con đường thay vì đăng ký các tour du lịch. Ăn những món ăn đường phố và hòa mình vào lối sống thường nhật trên những cung đường. Xe đạp, tàu điện ngầm là những lựa chọn tối ưu cho các danh thắng đất Seoul. Máy bay giá rẻ và tàu hỏa cho những chuyến đi về Busan hay Daejeon.

Vì là dân khoa học, cùng với việc nhiễm dần lối sống nhanh của người Hàn nên việc ăn uống cũng cứ như một lịch trình mặc định: Sáng 2 USD cho cơm cuộn, trưa và tối ăn cơm căng tin 4 USD/ bữa. Cuối tuần sẽ tự thưởng cho mình những món ăn Việt tự nấu.

Nấu ăn là một thú vui, là để vơi bớt cảm giác nhớ nhà. Phong vị của người Hàn thật sự không có chút nào giống người Việt mình cả. Đồ ăn Hàn, cay, ngọt và có phần khó ăn cho những ai mới đầu sang đây. Cơm nhà luôn là nhất. Tuy nhiên, việc kiếm nguyên liệu của Việt Nam bên này cũng không phải là dễ, rất nhiều thứ mình cần mà không có, nhiều khi thèm một bát phở Việt nhưng phở tươi sẽ là một câu chuyện đau đầu để tìm kiếm.

Chang trai Viet dat hoc bong cao nhat cua Han: Khong di lam them van co tien gui bo me
Để đạt được suất học bổng của trường KIST này, chàng trai Bắc Ninh đã có cả một chiến lược và sự cố gắng rất lớn.

Sống ở bên Hàn có rất nhiều điều thú vị, chế độ đãi ngộ tốt, việc đi lại, ăn ở được quan tâm chu đáo. Đơn cử như kí túc xá nơi này, phòng cho hai người, đầy đủ điều hòa, tủ lạnh, sưởi sàn… và tất cả đều miễn phí. Khí hậu trong lành và dễ chịu hơn so với Việt Nam. Mùa hè nhiệt độ không quá 32 độ và mùa đông tuyết rơi cũng không rét buốt như mùa Đông miền Bắc nước mình. Con người Hàn cũng thoải mái, tuy không xởi lởi và hiếu khách như người Việt nhưng họ tôn trọng những người ngoại quốc và sẵn sàng giúp đỡ.

Tuy nhiên, dù ở một môi trường được ưu ái về nghiên cứu, về học hành, ăn ở, đối với một du học sinh, nhà vẫn luôn là nơi tuyệt vời nhất. Nhớ nhà, đặc biệt là vào những ngày lễ như Trung Thu hay Tết ông Công, ông Táo, đây thường là lúc chạnh lòng nhiều nhất.

Dù đã sang được gần một năm, đã quen với những cuộc gọi điện hàng tuần, quen với khoảng cách địa lý, thay vào đó là chỉ nhìn nhau qua màn hình laptop nhưng vào những dịp đặc biệt như sinh nhật bố, mẹ, các em... Sau cuộc gọi trực tuyến để chung vui, tôi vẫn thường ngồi tĩnh lặng một lát vì sự tiếc nuối không thể có mặt ở nhà. Sống xa nhà, sợ nhất là khi nghe tin mẹ ốm, trái nắng trở giời, bố mệt là lòng lại bồn chồn, cả ngày lo lắng, sốt ruột…".

Minh Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI