Năm năm ôm con chờ minh oan cho chồng

13/11/2017 - 09:39

PNO - Đúng ngày bà sinh đứa con thứ hai thì gia đình gặp đại nạn. Vừa ở bệnh viện về buổi chiều thì đêm đến, xưởng cưa của Liên hiệp chế biến lâm sản 30-4 do chồng bà làm phó giám đốc bị cháy.

Ông cùng công nhân ở xưởng dập lửa suốt đêm, mãi chiều hôm sau mới về nhà, mặt mũi đen nhẻm vì khói bụi. Năm ngày sau, xe công an tới nhà, bắt ông đi và giam suốt 5 năm. Ngày chồng được minh oan trở về, con gái út của ông bà đã 5 tuổi, khóc thét khi thấy cha lao tới ôm nó mà hôn hít.

Nam nam om con cho minh oan cho chong
Vợ chồng bà Soạn và cháu ngoại

Bà Lê Thị Soạn, 64 tuổi, trú tại ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Đông (H. Tân Châu, tỉnh Tây Ninh), rưng rưng nước mắt khi hồi tưởng lại quãng thời gian cơ cực của đời mình. Mới 28 tuổi, đang nuôi hai con - một đứa hai tuổi và một đứa vừa được bảy ngày. Chồng bà - ông Nguyễn Đình Hào - vốn là kỹ sư chế biến lâm sản thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, được điều vào chiến trường miền Nam từ tháng 3/1974.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Hào chuyển về công tác tại Ty Lâm nghiệp tỉnh Tây Ninh và đón vợ vào lập nghiệp. Bà là cán bộ công đoàn của ngành lâm nghiệp Tây Ninh. Đang yên ổn công tác thì tai họa trên trời rơi xuống - chồng bà bị bắt giam mà không hề có bản án, không cả giấy đình chỉ sinh hoạt Đảng.

Tháng 2/1981, xưởng cưa bị cháy, nghi do tàn thuốc lá của khách hàng bắt vào mùn gỗ gây hỏa hoạn. Thiệt hại tài sản khá lớn. Người ta nghi ông Hào đốt xưởng để phi tang chứng cứ tham ô hoặc làm thất thoát tài sản Nhà nước. Khi lập biên bản hiện trường, một nhân chứng khai rằng, trong lúc mọi người cuống cuồng chữa cháy thì thấy ông Hào xách xô dầu đổ thêm vào lửa.

Sau này, theo kết quả điều tra, lúc đó ông Hào cũng lăn vào dập lửa với công nhân, sẵn chiếc xô còn cặn dầu, ông đem múc nước và khi ông hắt xô nước, dầu cặn làm lửa bùng lên. Vậy là ông thành nghi phạm.

Khi xe công an đưa ông Hào đi, bà Soạn tất tả lo quần áo, đồ dùng cho chồng. “Lúc đó ổng tự tin lắm, bảo tôi cứ yên tâm chăm sóc con, công an mời lên giải trình rồi sẽ về ngay thôi. Vậy mà ổng đi biệt luôn 5 năm” - bà kể. 

Chồng bị bắt, bà Soạn phải chịu áp lực nặng nề từ dư luận xã hội. Nhiều người nhìn bà thương hại, nhưng xa lánh. Cũng có người nhìn bà bằng ánh mắt khinh rẻ, căm ghét, hả hê. Nếu không có hai đứa con nhỏ, không biết bà có còn đủ sức vượt qua cú sốc để tiếp tục sống trên đời này không.

Nghỉ thai sản theo chế độ được hai tháng, họ hàng thân thích không có, bà Soạn cắn răng “gửi” hai con vào nhà trẻ để tiếp tục đi làm. Chồng bị tạm giam, bà cũng không còn được làm công tác công đoàn nữa. Lãnh đạo Ty Lâm nghiệp và Ban giám đốc Liên hiệp xí nghiệp thương ba mẹ con, cũng thấu hiểu nỗi oan của chồng, nên nhận bà về làm nhân viên thống kê tại cơ quan cũ của ông Hào.

Nam nam om con cho minh oan cho chong
Cơ ngơi giờ đã khang trang

Còn thiếu năm ngày nữa là tròn 5 năm ngồi tù, ông Hào được minh oan, trở về nhà. Cô con gái út đang học mẫu giáo, không biết cha là ai. Cô con lớn, khi đó bảy tuổi, đang học lớp Một, cũng ngỡ ngàng chưa nhận ra cha. Ông Hào về, nằm chơi xơi nước, chờ quyết định của cơ quan chức năng. Cơ quan cũ linh động giải quyết chi trả 30% lương hằng tháng cho ông, kinh tế gia đình vẫn không cải thiện được mấy.

Bà Soạn chảy nước mắt thương chồng, thấy ông từ một phó giám đốc trở thành nông dân thực thụ - tối ngày đi đánh gốc le, san ụ mối lấy đất trồng mì, trồng mía phụ vợ nuôi con. Bà thì vẫn kiên trì bám công việc với mức thương thiếu trước hụt sau và những buổi đi bốc vác thuê đau nhừ mình mẩy.

Lương tháng 68 đồng - không đủ nuôi con, chưa kể lúc các con đau ốm, lại phải dành dụm đi thăm nuôi chồng. Vì vậy, ngoài giờ hành chính, bà đi làm bốc vác thuê cho chủ lò mì, lò mía để kiếm thêm tiền. Ban ngày tới cơ quan, ngồi vào bàn làm việc mà bà nghe xương cốt, mình mẩy nhức nhối. Nhiều lúc bà muốn gục ngã vì ốm yếu và bất lực, nhưng nhìn hai đứa con nhỏ dại, bà lại cắn răng chịu đựng.

Năm 1986, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh mới trao quyết định đình chỉ điều tra vụ án “phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa” đối với ông Hào. Ông được phục hồi chức vụ phó giám đốc Liên hiệp xí nghiệp 30-4. Tòa án nhân dân tỉnh bồi thường cho ông 6.000đ. Nhà nước cũng cho chi trả lương của ông trong suốt 5 năm ngồi tù, nhưng trừ tiền ăn trong tù, nên cũng không còn được bao nhiêu.

Giờ đây, vợ chồng bà Soạn đều đã nghỉ hưu. Những năm lao động cần cù, trồng rừng, làm rẫy đã giúp họ nuôi hai cô con gái tốt nghiệp đại học, xây dựng được nhà cửa khang trang. Giờ đây hai con của họ đều là cô giáo, kinh tế gia đình đã khá giả hơn. Ông Hào được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ ấp liên tục 10 năm nay. Ông vẫn thường nói: “Nếu ngày ấy, vợ tôi buông xuôi thì làm gì có hôm nay”. 

Phương Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI