Những kẻ 'ăn bám' cần được tôn vinh

14/01/2019 - 17:30

PNO - Thay vì thấy MacKenzie là người phụ nữ may mắn vì đùng một cái có thể có gần 70 tỷ USD, phụ nữ nên thôi xem mình là kẻ yếu thế trong hôn nhân, loại trừ mặc cảm ăn bám chồng.

Thông tin về cuộc ly hôn giữa tỷ phú Jeff Bezos - ông chủ Amazon, người đàn ông giàu nhất thế giới và vợ - nữ nhà văn MacKenzie, sau 25 năm chung sống khiến cả thế giới ngỡ ngàng, theo những cách khác nhau. Người thì âu lo với giá cổ phiếu, người cảm thấy tiếc cho một chuyện tình, một số chị hài hước bảo rằng nay mình đã có “cơ hội”. Thậm chí Tổng thống Donald Trump, khi được hỏi về cuộc ly hôn ấy, cũng ngỏ lời chúc Jeff Bezos “may mắn”.

Giữa ngập tràn ý kiến, cảm xúc, người ta nhìn thấy một điều thật kinh khủng: nhiều người lo lắng cho khối tài sản trị giá 137 tỷ USD của Jeff Bezos có thể phải chia đôi với MacKenzie.

Nhung ke 'an bam' can duoc ton vinh
Cùng Jeff Bezos sáng lập Amazon và đi qua những tháng ngày gian khó nhưng giữa cuộc ly hôn, người ta vẫn xem MacKenzie như kẻ ăn bám.

Điều đáng chú ý trong câu chuyện phân chia tài sản là quan điểm của những người ủng hộ Jeff, cho rằng việc Jeff (có thể) phải mất nửa gia tài cho MacKenzie là điều hết sức đau đớn, một cái giá quá đắt để được tự do. Phần bình luận dưới các bài báo về cuộc ly hôn, trên các trang tin quốc tế, là những ý kiến đầy miệt thị, cho rằng MacKenzie bỗng dưng gặp may, ngồi không mà có tiền, thậm chí gọi cô là ả đàn bà ăn bám... Không ai nói về những tháng năm gian khó - khi Jeff và MacKenzie cùng lập nên đế chế Amazon, cũng chẳng ai tính toán giúp cho MacKenzie những gì bà đã làm để Jeff có thể đứng trên đỉnh thế giới.

Trong hầu hết các cuộc hôn nhân, nếu người vợ không đi làm, họ sẽ được xếp vào nhóm “ở nhà chồng nuôi”. Một số được xem là có phúc, vì được chồng yêu thương, chăm lo. Một số bị xem là những kẻ ăn bám, là gánh nặng của chồng. Tư duy lệch lạc đó đã dẫn đến biết bao bi kịch gia đình và đè nặng lên thân phận phụ nữ, khiến câu chuyện bình đẳng giới cứ xa vời.

“Đi làm kiếm tiền”, “nuôi vợ nuôi con” (theo cái nghĩa mang tiền về đưa vợ), với nhiều ông chồng, là trọng trách nặng nề. Đồng tiền quả có sức mạnh, nên các ông cho mình cái quyền được tụ bạ sau giờ làm, được lên mặt với vợ con, “làm chủ gia đình” mà mọi quyết định, ý muốn đều phải được nghe theo, đáp ứng. Thậm chí, trong một số trường hợp, khi các ông “lạc lối” vào vòng tay khác, lý do có thể được cho là vì người vợ ở nhà đã không chu toàn, khiến các ông áp lực. Đáng ngạc nhiên hơn là chính những người vợ chọn cách lùi lại chăm lo hậu phương cũng thấy mình yếu thế so với chồng, tự đặt mình ở vị thế thấp kém khi phát sinh mâu thuẫn. 

Sự thực là, bên trong cánh cửa gia đình, mọi lao động của phụ nữ đều có thể dễ dàng quy ra tiền mà hơn ai hết, cánh đàn ông hiểu rõ, nhưng luôn cố tình không thừa nhận, để giữ lấy đặc quyền của người đi làm kiếm tiền. Chỉ cần vài phép tính đơn giản, phụ nữ có thể đòi lại công đạo, lấy lại tôn nghiêm và sự kiêu hãnh các chị xứng đáng có được.

Nếu phụ nữ không giặt quần áo, đống đồ bẩn sẽ cần được đưa đến cửa hiệu giặt ủi, mỗi ký quần áo trung bình 20.000 đồng, chưa kể phụ thu cho đồ dễ ra màu, đồ cần phải hấp. Ủi đồ giá 5.000 đồng/cái. Nhân cho một tháng, ta sẽ có số tiền mà người chịu trách nhiệm lo cho kinh tế gia đình phải chi trả nếu không có “Ô-sin không công” tại nhà. Việc dọn đẹp nhà cửa, nấu nướng, đưa đón con, chăm sóc con ốm... cũng có thể quy thành tiền theo các biểu giá dịch vụ tương ứng. Thế nhưng, giữa mâu thuẫn hôn nhân, người ta thản nhiên xem mọi cống hiến, lao động của phụ nữ trong gia đình bằng không như thể họ chẳng có vai trò gì.

Nếu không có những người phụ nữ lặng lẽ sau cánh cửa gia đình, sẽ chẳng có gã đàn ông nào thành đạt nổi, bởi ngoài chuyện chuyên tâm vào sự nghiệp, đàn ông sẽ phải tự nấu cơm, giặt giũ, tự quản lý tài chính, trả tiền điện nước và biết đâu chẳng phung phí tất cả tài sản vào những chiếc xe sang hay những cuộc nhậu quên cả lối về.

Cho nên, thay vì thấy MacKenzie là người phụ nữ may mắn vì đùng một cái có thể có gần 70 tỷ USD, phụ nữ nên thôi xem mình là kẻ yếu thế trong hôn nhân, loại trừ mặc cảm ăn bám chồng. Nếu chúng ta có thể ra ngoài làm việc, hãy cứ làm và buộc đàn ông chia sẻ trách nhiệm, để họ ý thức được việc phải đóng góp vào những chuyện không tên trong gia đình. Ngược lại, đàn ông cũng nên sòng phẳng với chính người vợ mà ngày xưa mình đã mất bao công sức theo đuổi, tán tỉnh (đôi khi phải giành giật). Hãy trân trọng giá trị của họ như họ xứng đáng có được. 

Liên Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI