Con biết con là kẻ đắc tội với mẹ khi quan tâm đến bố

02/06/2017 - 10:00

PNO - Mẹ tức giận khi bố ngỏ lời muốn con trai chở đi mua đôi giày, tấm áo mới. Mẹ đá thúng đụng nia khi bố có quà bánh của con gái…

Mẹ hỏi: “Đổi máy mới vậy cái điện thoại cũ đâu?”. Chị cố thản nhiên như chẳng có gì quan trọng: “Con đưa bố xài rồi”. Chỉ có thế thôi mà bữa ăn họp mặt đông đủ ngày cuối tuần lẽ ra phải rất vui vẻ ngon lành trở nên nặng trịch. Cứ như thể, mỗi khi có gì liên quan tới bố là lũ con đã đắc tội với mẹ.

Con biet con la ke dac toi voi me khi quan tam den bo
Ảnh minh họa

Mẹ hận bố. Tuổi trẻ bay nhảy đi ngang về tắt khắp nơi, bỏ bê mẹ vò võ nuôi dạy con. Chẳng phải vì bố mê đắm riêng cô nào, mà hễ mẹ “dập tắt” được đám này thì bố gầy dựng mối khác. Cả thời thanh xuân, mẹ và các cô nhân tình của bố như chơi trò rượt đuổi, trong một cái vòng tròn luẩn quẩn đến tàn tạ cuộc đời. 

Bố vẫn mang tiền về, làm tròn bổn phận của người chồng, người cha trong nhà, nhưng hạnh phúc của mẹ thì đong đếm chẳng được mấy năm tháng. Đã từng có lúc chị thẳng thừng bảo mẹ, tại sao không ly hôn đi cho nhẹ lòng, cứ khổ sở canh giữ làm gì…

Nhưng một người phụ nữ quen quanh quẩn nội trợ, không nghề nghiệp, chẳng ý chí, lại không cam tâm để xổng chồng vào tay đám hồ ly bên ngoài, nên bây giờ, khi các con khôn lớn, dựng vợ gả chồng, mẹ đã lên chức bà nội bà ngoại, thì nỗi muộn phiền cam chịu xưa kia đã biến bố thành cái gai trong mắt mẹ. 

Mẹ trút nỗi hờn cả đời vào bố. Mẹ khó chịu khi thấy đám cháu nhỏ thích chơi với ông. Tựa như sau những lỗi lầm thời trẻ, bố không được quyền sống êm đềm bên con cháu vậy. Mẹ tức giận khi bố ngỏ lời muốn con trai chở đi mua đôi giày, tấm áo mới. Mẹ đá thúng đụng nia khi bố có quà bánh của con gái…

Riết rồi muốn mang cái gì cho bố, chị và đám em đều lấm lét thậm thụt, sợ mẹ biết, mẹ buồn. Nhưng không phải lần nào cũng thoát. Mẹ canh chừng nhất cử nhất động trong nhà, như chỉ lo con cái mắc mưu bị “kẻ thù” lợi dụng vậy…

“Tại sao lại phải mua máy tính cho ổng? Ổng có thiếu tiền đâu?”. “Thì sắm cho bố vui. Sống bao lâu đâu mà phải so đo hả mẹ? Hồi xưa bố cũng đã vất vả đi làm nuôi cả nhà…”. “Nuôi được bao nhiêu? Tháng mấy trăm ngàn? Toàn là cho thiên hạ ăn hết. Nếu không có “con này” thì tụi bây cũng thành trộm cắp hay làm gái hết rồi…”. Cứ như thể, mẹ muốn lũ con phải thờ ơ, bất hiếu với bố, thì mẹ mới hài lòng…

Nhiều lúc, chị thấy sợ. Thái độ của mẹ khắc nghiệt đến độc ác. Từng câu mẹ nói như dao đâm vào lòng nhau. Chị không biết phải lấp liếm bào chữa sao cho dễ nghe hơn với chồng mình hay mấy đứa em dâu, em rể. Họ sẽ nghĩ gì, khi thấy mẹ hằn học từng cử chỉ cùng bố, như chỉ muốn đám con là kẻ bạc bẽo với chính người sinh ra mình thì mới hài lòng?

Có khi chị tự hỏi, nếu chị và các em tập sống cạn tình với người này, thì biết đâu sẽ đến lúc có thể trở nên vô cảm với người kia? Chân lý ấy, lẽ nào mẹ không thấu hiểu… 

Thùy Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI