Tân hoa hậu - bừng con mắt dậy thấy mình… tả tơi

31/08/2016 - 10:01

PNO - Ngay khi Đỗ Mỹ Linh chạm tay vào quyền trượng, đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2016 tối 28/8, gần như cuộc sống của cô đã không còn bình yên nữa, bởi thói quen làm quan tòa của đám đông.

Thói quen ấy không phải bây giờ mới được nhìn thấy mà đã từng khiến nhiều người khốn đốn. Vì sao và từ đâu người ta sẵn sàng mạt sát nhau vô cớ như thế, vẫn còn là một câu hỏi đáng buồn.

Sau một đêm trở thành... tội đồ!

Khi cái tên Đỗ Mỹ Linh vừa được MC xướng lên trên sân khấu, gương mặt cô còn chưa thôi ngơ ngác vì không tin vào sự thật, nhiều người đã hỏi nhau trên mạng xã hội: “Có ai biết facebook của tân hoa hậu không?”. Câu hỏi đó bắt đầu cho cơn bão nhắm vào cô với cuồng phong đến từ mọi hướng, và dĩ nhiên, không thể thiếu từ phía nhan sắc. Với việc cho rằng Đỗ Mỹ Linh không xinh đẹp, đám đông ấy không ngần ngại lùng sục trang cá nhân của cô để tìm cho ra những bức ảnh đời thường kém sắc, và bất kỳ điều không đẹp nào khác.

Tan hoa hau - bung con mat day thay minh… ta toi
Tân Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh

Để từ đó, những dòng trạng thái, những câu bình luận của cô… mang văn phong bỗ bã với bạn bè thân thiết, được lôi ra mổ xẻ đến tận cùng. Người ta cũng tìm ra được nhiều bức ảnh của cô để làm “bằng chứng” cho “nghi án” cô chỉnh nha - nghĩa là đã can thiệp vào “vẻ đẹp tự nhiên”. Người ta “phát hiện” cô đã có bình luận không hay ho về đội tuyển bóng đá Việt Nam, thường xuyên văng tục…

Trong cơn lùng sục đó, hình ảnh ngôi nhà của cô ở phố Hàng Buồm (Hà Nội) cũng không thoát khỏi tai mắt của đám đông. “Đáng nể” hơn, đám đông còn tìm ra được dòng trạng thái có từ ngữ không hay dành cho giáo viên của mình mà Đỗ Mỹ Linh viết cách đây bảy năm, nghĩa là khi cô chỉ mới 13 tuổi. Tất cả những hướng phong ba đó chỉ đều quy về một mối: Đỗ Mỹ Linh không xứng đáng với danh hiệu hoa hậu.

Chỉ sau một đêm, cô trở thành đối tượng cho các quan tòa mạng bình phẩm và kết án. Dù Đỗ Mỹ Linh vội vã khóa trang cá nhân sau khi đội vương miện chỉ vài tiếng đồng hồ, nhưng đã muộn. Cuộc đời cô, từ gia cảnh đến những mối quan hệ bạn bè, sở thích… những điều rất đỗi riêng tư, không liên quan đến danh hiệu hoa hậu mà cô vừa có, đã bị phơi ra gần như không sót chi tiết nào. Đi kèm với đó là những từ ngữ mạt sát, chế giễu như người ta đang nói về một tội đồ.

Thực tế, không ai cho rằng việc hỗn với thầy cô là bình thường, dù ở lứa tuổi nào. Nhưng áp cái sai của một đứa trẻ 13 tuổi ấy vào Đỗ Mỹ Linh 20 tuổi của ngày hôm nay để quy kết cô không xứng đáng, là sự thiển cận mà nếu không mang nặng tư duy hẹp hòi hoặc ác cảm cố hữu thì không thể nào có được. Đỗ Mỹ Linh sau đó thừa nhận mình đã có một thời “trẻ trâu” và cô vẫn đang điều chỉnh để hoàn thiện mình mỗi ngày. Nhưng có lẽ phải rất lâu nữa Đỗ Mỹ Linh mới thôi bị bình phẩm, bị mạt sát bởi những người mà cô chưa từng phương hại tới, chỉ bởi cô trót trở thành hoa hậu.

Tan hoa hau - bung con mat day thay minh… ta toi
Tân Hoa hậu Việt Nam 2016 trong đêm đăng quang

Ném đá, để thấy mình cao hơn?

“Con người được sinh ra để vui. Nếu họ không vui được về cái đẹp của bản thân thì sẽ vui về cái xấu xí của người khác” (Franz Schönthan von Pernwaldt). Câu nói đó rất hợp với bối cảnh đám đông mạng hiện tại. Chỉ tính riêng với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, gần như năm nào cũng có cơn “mưa đá” trút xuống. Dù cách đây hàng chục năm, không có mạng xã hội, các tân hoa hậu cũng không thoát “nạn”. Đó là , Ngọc Khánh không mang vẻ đẹp thuần Việt Nam, Nguyễn Thị Huyền không đẹp như Trịnh Chân Trân (Á hậu 1 cuộc thi năm đó), Mai Phương Thúy cao kều không đẹp kiểu Việt Nam, Ngọc Hân răng cái này xô cái kia…

Ca sĩ Mỹ Linh, khi phát biểu về thực phẩm sạch mới đây, đã nhấn mạnh nhiều lần về việc phải bảo vệ nông dân để xã hội có nguồn thực phẩm sạch, rằng “nếu rẻ thì nhân công sẽ phải là mạt hạng. Nông dân khi được trả đồng lương mạt hạng thì người ta không thể làm tốt. Có thực mới vực được đạo”.

Tuy nhiên, không ai quan tâm đến thực chất câu chuyện, đám đông ấy chỉ vin vào tựa bài “Mỹ Linh: Muốn rẻ thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch” mà biến chị thành kẻ tội đồ với hàng loạt lời mạt sát: Mỹ Linh không bảo vệ người nông dân, coi thường người nghèo, sống đời trọc phú... Chỉ cần trước khi buông lời mắng mỏ ấy, hã y tìm hiểu sự tình chỉ bằng cú nhấp chuột.

NSND Lan Hương cũng một phen khốn đốn với đám đông ấy, chỉ vì chị “dám” không đi Trường Sa. Chỉ với một thông tin trên mạng xã hội, mà bản thân người đưa thông tin cũng chưa hề kiểm chứng, rằng chị chê bai tàu chuyên chở không tiện nghi nên dù đã bước lên tàu nhưng vẫn quả quyết bước xuống từ bỏ chuyến đi. NSND Lan Hương đã nhận cơn mưa gạch đá nặng nề: “Thật đáng thất vọng”, “Không muốn nhìn thấy NSND này lần nào nữa”, “Không xứng là NSND”… Trong khi đó, việc chị dừng chuyến đi là cách ứng xử tôn trọng những người đồng hành, vì biết chắc mình sẽ làm phiền đến người khác vì sức khỏe không cho phép.

Hay, chỉ đơn giản là không hợp ý một số người mà Hồ Văn Cường - quán quân Vietnam Idol Kids bị nhận hàng nghìn lời miệt thị như “Đây là chương trình từ thiện à?”, “Lấy cái nghèo để mua lòng thương hại”, “Dân Việt Nam mình bốn nghìn năm giàu lòng bác ái cơ mà, bố thí thêm một lần nữa cũng có sao”… Một đứa trẻ với một kết quả không do em quyết định, lại bị “ném đá” không thương tiếc.

Có người lý giải, chỉ bởi lòng tin của con người đã bị xói mòn qua nhiều dối trá, nên việc hướng suy nghĩ về điều tích cực của người ta trước một thông tin vừa được tiếp nhận cũng đã mất đi. Thế nhưng, chính từ việc “ném đá” vô tội vạ mà không tìm hiểu này, đám đông không biết rằng mình vừa góp tay xây dựng, cổ xuý cho một lối sống mà chính họ đang ném đá. Đó là , với Mỹ Linh, có lẽ chị nên ngó lơ với các vấn đề tiêu cực của xã hội mà chỉ cần đi hát rồi nhận tiền cát-sê; với NSND Lan Hương, hãy tỏ ra hào hứng với chuyến đi ấy đi, hãy cứ mỉm cười mọi lúc mọi nơi và nói những lời có cánh để ca tụng niềm vui sướng cố tạo ra ấy đi, nghĩa là hãy “diễn” đi… “Ném đá” là thói quen xấu xí của người Việt, chỉ nhằm thỏ a mãn nhu cầu thể hiện bản thân, bất kể đúng hay sai. “Ném đá”, với không ít người, chỉ cần có kẻ để được ném là đã có cơ hội chứng tỏ mình “cao” hơn, thông minh hơn, thánh thiện hơn.

Theo TS Đỗ Hoàng Giang, trong đám đông dường như đang có một cuộc thi mà nếu ai mạt sát hay hơn, chế giễu cay nghiệt hơn, người đó sẽ thắng. Với những gì đang diễn ra, nhất là với Đỗ Mỹ Linh, cuộc thi ấy như đang vào hồi gay cấn!

Ông Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong:

Quan điểm của mỗi người, mắt nhìn của mỗi người khác nhau nên kết quả sẽ làm hài lòng người này và không hài lòng người nọ. Khi không hài lòng thì tất yếu họ sẽ phản ứng. Đó là chưa kể chúng tôi cũng thừa nhận các hoa hậu và BTC vẫn còn khuyết điểm chỗ này hay chỗ khác. Người ta cứ mặc định các hoa hậu, á hậu là phải toàn bích, nhưng ai mà không có sơ suất. Chúng tôi biết như thế và chấp nhận những ý kiến ngược chiều.

Tan hoa hau - bung con mat day thay minh… ta toi

Thực tiễn đời sống là vậy, chúng ta phải làm quen với chê bai. Người ta hay gọi đó là phê bình nhưng còn tùy vào khâu văn hóa và động cơ. Nếu văn hóa cao và động cơ trong sáng thì họ muốn BTC tốt hơn, muốn hoa hậu vươn lên, cái đó đáng quý chứ. Có điều, có một bộ phận phê bình theo hướng mạt sát, chế giễu. Họ dùng lời lẽ mà không kiểm soát, như thể càng cay nghiệt thì mới càng chứng tỏ họ đúng. Nhu cầu của nhiều người bây giờ là phản ứng phải cho nhiều người biết, rồi hùa theo.

ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên khoa Tâm lý giáo dục (ĐH Sư phạm TP. HCM):

Trào lưu “ném đá” vô tội vạ xuất phát từ hai nguyên nhân. Một là, khi tiếp xúc trực tiếp, cá nhân bị chi phối bởi các quy tắc xã giao nên ngại không bộc lộ rõ suy nghĩ tiêu cực của mình với người khác. Tuy nhiên, trên mạ ng xã hội, danh tính ít rõ ràng, khả năng truy cứu trách nhiệm của thủ phạm ném đá hầu như bằng không, do đó người ta thoải mái bộc lộ các suy nghĩ tiêu cực mà không sợ phải chịu trách nhiệm. Hai là, một trong những nét tính cách chưa tốt của một bộ phận người Việt là hay phê phán, chê bai người khác. Một khi thấy nhóm người này đang lên án việc gì đó thì những người khác cũng có xu hướng bắt chước theo, hay còn gọi là tâm lý đám đông. Nếu lên án đúng, nó sẽ có tác dụng cảnh cáo và ngăn chặn những hành vi xấu.

Tan hoa hau - bung con mat day thay minh… ta toi

Tuy nhiên, nó sẽ gây tổn thương sâu sắc nếu dư luận “ném đá” mù quáng trong khi chưa tìm hiểu rõ sự việc hoặc thổi phồng sự việc. Trước khi buông ra lời lên án ai đó, hãy đặt mình vào vị trí của nạn nhân, xem lời “ném đá” này có mang lại gì tốt đẹp cho xã hội hay không, có giúp được đối tượ ng thay đổi không, hay chỉ “ném đá” để thỏa mãn cảm xúc của bản thân và lây lan cảm xúc tiêu cực cho người khác. Nên nhớ rằng, nếu “ném đá” sai, lời nói của ta có thể gây tổn thương như con dao sắc và đẩy đối phương vào cùng cực. Nếu ai đó vì lời “ném đá” quá mức mà tìm đến cái chết thì chẳng khác nào ta đã phạm tội sát nhân...

Nguyên Vĩnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI