Trở thành tâm điểm của dư luận vì được sếp ưu ái

27/04/2018 - 14:30

PNO - Nhiều lần được sếp gọi lên phòng làm việc riêng nhưng chị khẳng khái từ chối, nói có việc gì liên quan đến công việc, xin sếp hãy trao đổi công khai ngay tại phòng đọc giáo viên.

Cách đây 5 năm, tôi trúng tuyển vị trí biên dịch viên, phần dịch thuật tài liệu nước ngoài thuộc tạp chí chuyên ngành của một trường Đại học. Đơn vị tôi làm việc thuộc mảng trung tâm thông tin - thư viện, đảm nhận phần đọc và lĩnh hội thông tin cho các đơn vị khác trong trường.

Khi mới chuyển về trường, tôi đặc biệt có ấn tượng với chị V.N, phụ trách bên phòng đọc và nghiên cứu dành cho giáo viên. Hồi đó chị 30 tuổi nhưng vẫn chưa chồng, mặc dù chị rất xinh đẹp và nền nã, có nhiều "vệ tinh" vây quanh. Bị xếp vào dạng "gái ế" hay "muộn chồng" của thư viện, chị vẫn ung dung tự tại và tỏ ra rất bản lĩnh. Trong thời gian bạn bè cùng trang lứa kết hôn, sinh con, chị lại chuyên tâm vào lĩnh vực chuyên môn và nghiên cứu khoa học.

Trong cơ quan tôi có sếp M, rất giỏi và đào hoa. Các chị em về làm việc trước tôi có xì xào xa gần, sếp "yêu cái đẹp" lắm, rằng sếp "lắm tài nhưng nhiều tật". Cũng thông qua luồng dư luận "sau cánh gà", tôi được biết sếp M đang để mắt và "cảm nắng" cô nhân viên V.N muộn chồng, bản lĩnh kia.

Tro thanh tam diem cua du luan vi duoc sep uu ai
Nhân viên tập sự mới ra trường, hay "gái ế" tại cơ quan thường là tâm điểm chú ý để các sếp tiến tới "gạ tình". Ảnh minh họa

Vốn là chỗ quen biết từ thời còn học phổ thông nên chị thường nhỏ to tâm sự với tôi. Chị phàn nàn với tôi về sự phiền lụy khi bị sếp "ưu ái" nhiều hơn các nữ đồng nghiệp khác. Do sống có lòng tự trọng nên chị không coi sự ưu ái của sếp làm bàn đạp hay lợi thế trong công việc. Chị vẫn chuyên tâm nghiên cứu về chuyên môn sâu và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp bộ, qua đó khẳng định năng lực của bản thân.

Tôi biết, nhiều lần được sếp gọi lên phòng làm việc riêng nhưng chị khẳng khái từ chối, nói có việc gì liên quan đến công việc, xin sếp hãy trao đổi công khai ngay tại phòng đọc giáo viên. Thời điểm đó chị bắt đầu có người yêu bên ngoài. Tôi vô cùng nể phục tính cách thẳng thắn đó của chị.

Tuy nhiên, chỉ vì được sếp "để mắt" tới nhiều hơn, chị cũng đã trở thành "người có tội". Bởi vì trong đám nhân viên chỉ toàn là nữ của cơ quan, ai cũng phải như ai, nếu có nhân vật nào dám "chơi trội", cho dù ở thế bị động, "bị sếp thích", "bị sếp quan tâm" đã là điều không thể chấp nhận được.

Cũng chính vì những lý do đó, các đồng nghiệp nữ khác dần xa lánh, tạo thành một chiến tuyến đối lập với chị. Bề ngoài họ tỏ ra hòa nhã, khen ngợi năng lực của chị, tuy nhiên đằng sau lưng ngấm ngầm bè cánh, nói xấu đồng nghiệp.

Có chị bạn còn thẳng tưng khai thác thông tin từ phía tôi, rằng tôi có biết gì về "chuyện ngoài công việc" của sếp và chị V.N kia không? Khi tôi khẳng khái trả lời, giữa họ chỉ đơn thuần mang tính chất công việc, chị bạn bĩu môi, nói tôi chỉ giỏi bao che. Tôi ngán ngẩm chẳng muốn nói lại điều gì, vì vốn dĩ "chẳng ai điếc hơn người không muốn nghe".

Dư luận càng trở nên khắc nghiệt hơn từ thời điểm chị đăng ký thi cao học và trúng tuyển. Giữa một dàn đồng nghiệp nữ tốt nghiệp chỉ hệ dân lập, hệ trung cấp, chuyên môn nghiệp vụ ở mức làng nhàng, giờ bỗng nhiên nổi lên nhân tố có chuyên môn, lại đang trong quá trình phấn đấu bằng cấp, các chị em khác "sợ" chị có xu thế trở thành cán bộ nguồn của cơ quan.

Tro thanh tam diem cua du luan vi duoc sep uu ai
Ảnh minh họa

Cả đơn vị có gần hai chục nhân viên nhưng ai cũng muốn làm quan, chẳng ai chịu làm dân. Các chị em lo lắng với những ưu thế đang có của V.N, cộng với sự "ưu ái" sẵn có của sếp M dành cho chị, thể nào trong tương lai không xa, chị sẽ lên lãnh đạo, và các chị em khác lâu nay đang "ngang cơ", sẽ nghiễm nhiên "dưới quyền"  của chị.

Thời điểm đó chị đã kết hôn với mộ người đàn ông theo đuổi chị đã lâu. Một năm sau đó chị nghỉ chế độ thai sản. Trong thời gian chị vắng mặt, có đơn nặc danh viết gửi lên lãnh đạo cao hơn, tố cáo chị "quan hệ ngoài luồng" với sếp M, rằng chị đứng vào đội ngũ Đảng viên là không xứng đáng, cần phải khai trừ chị.

Tự tôi biết luồng dư luận "tiêu diệt" chị khởi nguồn không đâu khác ngoài từ miệng các đồng nghiệp nữ cùng bộ phận với chị. Họ muốn loại trừ một nguy cơ, nhưng không có cách nào khác triệt tiêu, ngoài đánh vào dư luận.

Sự việc "nóng" đến nỗi cơ quan tôi phải triệu tập một cuộc họp khẩn, nhằm khai thông vấn đề trên và xoa dịu dư luận. "Sếp tổng" phải chính thức lên tiếng, đưa ra câu hỏi, tại sao trong quá trình công khai dư luận trước khi đưa chị V.N đứng vào hàng ngũ Đảng, ai cũng nhất trí bỏ phiếu tán thành, mà giờ đây lúc chị không có mặt, lại nhẫn tâm chơi xấu và tìm cách "loại trừ" chị? Cả cơ quan im phăng phắc. Dư luận là thế đó, lúc được tạo cơ hội để nói thì không lên tiếng, chỉ hèn nhát "đâm dao" từ phía sau.

Chỉ đến khi ngài Hiệu trưởng điều một cán bộ nguồn từ nơi khác xuống làm lãnh đạo đơn vị tôi, chị V.N mới được "yên thân". Cũng vì cơ hội cho chị "lên" hầu như không còn nữa, giờ cho chị có phấn đấu cỡ nào cũng chỉ dừng ở mức "cán bộ giỏi chuyên môn" mà thôi.

Nghĩ lại thời mới đi làm, môi trường làm việc phức tạp, toàn nữ giới, luôn thanh trừng nội bộ lẫn nhau mà tôi cảm thấy sợ. Chỉ cần "rủi ro" lọt vào tầm ngắm của sếp thôi, chưa nói người trong cuộc có "tận dụng cơ hội" không, đã không sống nổi vì dư luận. Thế mới hay, phụ nữ có giỏi giang bản lĩnh cỡ nào trong công việc và cuộc sống, nhưng đứng trước mũi dao dư luận quá khắc nghiệt chĩa về phía mình, hầu như đều quỵ ngã và không tồn tại nổi.

Thanh Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI