Hết chuyện nói

01/01/2019 - 14:00

PNO - Tưởng đơn giản, dễ dàng mà đâu phải ai, hay lúc nào cũng có được. Chỉ các bà mẹ đơn thân hoặc những mái ấm đã tan vỡ mới thấm thía sự thiếu hụt ấy. Như chị lúc này…

Chị hơi băn khoăn về cuộc sống với đứa con gái lên mười của mình. Mỗi chiều về nhà chỉ có hai mẹ con, gặp mặt nhau cũng chỉ quanh quẩn vài câu hỏi. Rằng, hôm nay con ở trường thế nào, có gì vui không kể mẹ nghe; mẹ nhiều việc không, mẹ mệt à… hết. Mà đâu phải hôm nào cũng có chuyện để kể, để nói với nhau nên không khí cứ dần tẻ nhạt, ơ hờ thế nào chẳng rõ.

Có bữa chị đọc đâu đó trên báo, trên mạng bài viết tâm đắc, định bụng về kể với con, rồi nhân đó “liên hệ thực tế” này nọ để dạy nó, rồi cũng quên mất. Hoặc chị cảm thấy hơi khó để bắt đầu một đề tài chuyện phiếm giữa mẹ và con…

Het chuyen noi
Ảnh minh họa

Trước đây, lúc cả nhà bốn người còn ở chung, tuy vợ chồng không mấy hòa hợp, nhưng cũng có trao đổi qua lại. Ít ra vẫn còn tiếng nói cười của mấy cha con. Chị chợt nghĩ, đó chính là cách để trẻ con lớn lên trong mỗi gia đình. Đó chính là nơi nuôi dưỡng, định hướng cho con từng suy nghĩ, quan điểm trong cuộc sống. Ví như cha mẹ bàn bạc việc học của con thì chúng cũng lắng nghe rồi tự hiểu một phần. Rồi qua mỗi kinh nghiệm diễn ra hằng ngày mà rèn luyện kỹ năng sống, hay đề cao cảnh giác với người lạ ngoài đường… Nếu người thân quen có chuyện vui, bệnh tật, tai nạn thì con cũng được cập nhật. Hay khi chị dạy dỗ đứa lớn thì đứa nhỏ cũng nghe thấy, cũng biết. Chẳng hạn, “lần trước mẹ đã nhắc em, con đương nhiên phải biết để đừng mắc lỗi đó chứ”... Những tình huống rất đời thường thôi, mà bây giờ họa hoằn chị mới đề cập với con. Chị loay hoay với nỗi lo liệu con mình có đang bị cô lập, lạc lõng bởi cuộc sống đơn điệu cùng người mẹ thường vắng nhà từ sáng sớm tới chiều muộn hay không?

Vợ chồng chia tay, chị sống với đứa con gái nhỏ. Hai mẹ con đều có phần lặng lẽ. Chị hiểu ra, đó cũng là thiệt thòi, khi chẳng còn điều kiện để con hưởng sự giao tiếp ấm êm trong gia đình. Tưởng đơn giản, dễ dàng mà đâu phải ai, hay lúc nào cũng có được. Chỉ các bà mẹ đơn thân hoặc những mái ấm đã tan vỡ mới thấm thía sự thiếu hụt ấy. Như chị lúc này…

Chị nhớ giai đoạn cuối của cuộc hôn nhân gần 15 năm của mình. Vợ chồng cứ mở miệng ra vài câu là cắn đắng nhau, phát chán. Càng về sau, giao tiếp chủ yếu thông qua con trai lớn. “Về nói với mẹ mày… Con bảo với cha…”. Thằng bé ban đầu nhận được những thông điệp ấy còn thưa thớt. Rồi nó ngày càng không hiểu tại sao cha mẹ chẳng thể nói trực tiếp với nhau cho nhanh gọn. Hoặc cứ nhắn, gọi vào điện thoại của người kia, thay vì phải qua thêm “khâu” trung gian là nó. Dần dần, nó cũng lờ mờ nhận ra sự bất thường trong gia đình mình, bởi lắm khi cả nhà đông đủ nhưng cha mẹ chẳng buồn trò chuyện với nhau câu nào.

Bây giờ, vợ chồng chị cũng thông qua nó để quan tâm, chăm sóc, dõi theo hai đứa con chung. Đó thực sự là “kênh truyền thông” chính thức của những người từng chung một gia đình.

Chị ngó mông lung ra cửa sổ, thấy thời gian vùn vụt qua, nhiều ký ức ấm êm đã thành quá vãng. Đứa con gái bên cạnh chị dường như cũng biết thân biết phận, cam chịu so với tuổi của nó. Dẫu chị đã cố gắng bù đắp bằng cách siêng đưa con đi đây đó, tham gia nhiều hội nhóm bạn bè ngoài xã hội. Chị muốn con mình sống vui vẻ, cởi mở, chịu chia sẻ và biết lắng nghe, chứ không phải như cha mẹ nó đã từng sai lầm… 

Hạ Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI