Nuôi dạy 2 con trai sinh đôi bị bại não, mẹ trở thành siêu nhân

17/09/2017 - 10:23

PNO - Hai con trai sinh đôi sáng sủa, khỏe mạnh nhưng ngơ ngơ dại dại. Người mẹ chỉ còn biết ngồi nhìn ra biển, nước mắt như mặn hơn nước biển.

Nhưng rồi người mẹ đã gạt nước mắt, đứng dậy. Người mẹ ấy là chị Lê Thị Hoa. Ngày rời quê đi bộ  đội, chị được đưa về sân bay dã chiến Đà Nẵng thuộc Cục Hậu cần. Công việc chuyển hàng vào kho và xuất hàng cho chiến trường Campuchia khá nặng nhọc.

Mảnh đất thời hậu chiến này còn nguyên sự cằn cỗi - hậu quả của cuộc chiến tranh hủy diệt bằng chất độc hóa học. Chị gặp anh ở đó, rồi nên duyên chồng vợ. Bốn năm sau vợ chồng cùng xuất  ngũ. 

Nuoi day 2 con trai sinh doi bi bai nao, me tro thanh sieu nhan
Mẹ dạy con chăm sóc hoa cỏ

Con gái đầu lòng ra đời, xinh xắn rạng ngời như gom lại tất cả những nét đẹp của cha mẹ. Sức khỏe kém, anh về làm việc tại một phường ở Vũng Tàu. Chị mang thai lần hai. Siêu âm, bác sĩ nói thai đôi, bình thường. Cả nhà rất mừng, dù biết sinh đôi thì chuyện nuôi con không đơn giản. Hai vợ chồng làm đủ việc: chạy xe chở đá, xe ôm, giúp việc… để kiếm thêm tiền.

Hai đứa con trai sinh đôi ra đời là bằng chứng cho nghị lực của cha mẹ, với bao công lao bươn chải nuôi con. Không ai ngờ, chiến tranh tuy đã chấm dứt, nhưng nhiều năm sau, sự tàn khốc của nó vẫn còn tiếp tục đục khoét thêm thương tích lên con người. Hai con trai càng lớn càng có nhiều biểu hiện không bình thường. Chúng chậm nói, cộc cằn, dễ nổi khùng… Hai vợ chồng đưa con vào bệnh viện kiểm tra.

Sau những cuộc chuyển viện liên tục, kết quả như sét giữa trời quang: cả hai đều thương tổn não không thể hồi phục được. Hai vợ chồng như muốn gục ngã. Đã bao lần chị Hoa ra biển ngồi chết trân như hóa đá, chỉ muốn gào lên với trời xanh: “Tôi là một bà mẹ khốn khổ. Các con tôi rồi sẽ sống sao đây?”. Có lẽ, vì các con còn quá nhỏ, vì chất lính đã nằm trong máu, vợ chồng chị Hoa tự vực mình đứng dậy đối mặt với thử thách.

Nuoi day 2 con trai sinh doi bi bai nao, me tro thanh sieu nhan
Mẹ Hoa và Đông - Nam

Ba tuổi, hai con trai chỉ nói được từng chữ nhát gừng, tâm tính lơ ngơ. Mẹ kiên trì dạy đến vài tháng mới nói được tên cha mẹ. Sau đó là phải “học” cho nhớ tên mẹ, nhớ số nhà để có lạc người ta còn biết mà dẫn về giúp. Như những đứa trẻ bại não khác, hai anh em lên cơn bất kể lúc nào và không bao giờ ngồi yên một chỗ, cha mẹ phải thay nhau dắt đi phố mới chịu.

Những lần “đi dạo” như thế, cha mẹ lại cố giảng giải sao cho chúng nhớ đường về nhà, biết đi sát vào lề. Đông và Nam - hai đứa con trai. Dẫn con đi dọc phố, thấy nhà nào buôn bán mẹ Hoa cũng ghé vào làm quen, gửi gắm: “Các con tôi lỡ có ra đây lấy gì uống hay giật đồ của ai thì xin đừng đánh cháu, tôi sẽ đền lại”.

Mọi người cám cảnh nên chẳng ai nỡ xua đuổi hai thằng bé. Các con đến tuổi đi  học, mẹ Hoa lại cố xin cô giáo cho được vào lớp với các bạn. Được cái Đông và Nam cũng ngoan, không quấy phá. Bốn năm ngồi lớp Một, hai đứa cứ học từng chữ một; học rồi quên, quên rồi lại học. Còn toán thì không cách gì làm được.

Tủi hờn mẹ giấu vào lòng, cô giáo có thương cũng chẳng thể giữ mãi trong lớp được vì hai đứa đã quá lớn. Cái ngày cô giáo nói: “Chị thông cảm, nếu cháu cứ ở lớp Một này mãi, các cháu khác khó học lắm”. Mẹ khóc, cô cũng muốn khóc. Đưa con về, mẹ Hoa lại tìm đến các soeur. Năm đầu, hai đứa viết được vài chữ, năm sau vài từ, rồi đến từng câu. Giờ, Đông và Nam đã viết được tên mẹ, tên cha, tên chị và cả tên mình, viết được một đoạn ngăn ngắn.

Để Đông và Nam có được những khái niệm về gia đình, mẹ Hoa sắp đặt các vật dụng trong nhà thật đúng chỗ, tập cho hai anh em lấy đúng, cất đúng. Thấy mẹ rửa bát, hai đứa cũng muốn làm; vụng về đánh vỡ không biết là bao chén. Mỗi lần như vậy, chúng lại ngước nhìn mẹ, thương lắm. Mẹ cảm nhận được, con hiểu mình gây ra lỗi mà không biết tại sao lại như thế. Tới bữa, cha mẹ phải cho ăn vì hai đứa cũng chẳng biết đòi. Mẹ kiên trì dạy vo gạo bỏ vào nồi, lâu ngày hai đứa cũng biết làm.

Mẹ Hoa còn cố cắt nghĩa cho hai con hiểu: “Con phải tập làm, sau này cha mẹ già không còn làm giúp con được nữa”. Kệ, con hiểu được đến đâu thì hiểu. Mưa lâu thấm sâu. Cũng đã dần thấy ý thức và tình cảm của con ngay trong những ngô nghê hàng ngày. Để tập cho con biết cư xử với người khác, mẹ Hoa phải nhận chăm trẻ để con có bạn và học cách chơi với bạn. Những đứa trẻ hồn nhiên vô tư thân thiết với nhau.

Hai vợ chồng chăm chỉ ai làm việc của người ấy. Anh làm việc ở phường, phải lo đủ chuyện cho bà con. Nghèo khó nhưng anh không bao giờ tranh phần cho nhà mình khi có những khoản hỗ trợ dành cho hộ nghèo, gia đình khó khăn. Anh nói: “Mình làm cán bộ phường thì không được để cho bà con lấn cấn. Phường còn nhiều người nghèo, phải lo cho bà con trước”.

Nhờ vậy, anh luôn được bà con ở KP.1, P.5, TP Vũng  Tàu tin yêu, Đông - Nam ra ngoài đường ai cũng quý; bảo ban, nhắc nhở và không để con cháu mình chọc ghẹo. Sự đùm bọc của bà con thật sự là hành lang an toàn cho gia đình anh chị.

Giờ Đông và Nam đã 25 tuổi. Nhìn hai con cao lớn, đẹp đẽ nhưng ngơ ngơ dại dại, cha mẹ không khỏi xót lòng. Bao công sức, nước mắt đã đổ ra vì hai đứa… Cũng may mà hai đứa đã biết chia nhau đặt cơm, rửa chén, quét nhà. Mẹ đi làm về còn biết rót nước mời mẹ.

Hôm nào trời yên biển lặng, mẹ chở Đông ra biển, cậu đã biết trông xe cho mẹ xuống bơi một lúc. Con gái đầu đã lấy chồng, có con. Mới hôm rồi cháu ngoại về chơi, ôm cổ bà thỏ thẻ: “Con thương bà lắm, thương hai cậu nữa. Lớn lên con sẽ nuôi hai cậu”. Chị Hoa nghe mà ứa nước mắt...

Việt Nga 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI