Mong đợi tình thâm

06/10/2015 - 07:53

PNO - Nó ngậm ngùi: “Chuyện xảy ra hơn mười năm rồi, vậy mà mỗi lần thấy em, người ta vẫn xầm xì “Nó đấy! Thằng bé đó bây giờ đã lớn rồi đấy!”.

Đó là một chiều mưa buồn, một người phụ nữ lầm lũi dắt hai đứa con, một trai, một gái, đến gõ cửa những ngôi nhà khang trang van xin chủ nhà nhận nuôi giúp chị một đứa. Đứa bé trai khi ấy lên mười, được một gia đình nhận nuôi vì đã biết chăn trâu, cắt cỏ.

Còn lại đứa con gái lên năm, chị dắt đi trong tiếng gào khóc thảm thiết của hai đứa trẻ. Mưa nặng hạt, chị dừng chân trước mái hiên một ngôi nhà xin tá túc. Nhìn thấy đứa bé gái rưng rức khóc, miệng không ngừng gọi “anh hai”, chủ nhà hỏi thăm, cảm xúc vỡ òa, chị khóc.

Chồng mất sớm để lại hai đứa con nhỏ, không họ hàng thân thuộc cậy nhờ, ba năm qua mình chị chật vật nuôi con. Nay thân mang bệnh tật, không còn đủ sức nuôi con, chị cùng đường đành đem con đi cho.

Chủ nhà thương cảm, lại thấy đứa bé gái xinh xắn, dễ thương nên gợi ý nhận nuôi. Chị do dự, rồi từ chối trong sự ngỡ ngàng, khó hiểu của chủ nhà. Tàn cơn mưa, hai mẹ con lại lầm lũi dắt nhau đi.

Nhưng, sự thật không như lời chị tâm sự. Trong ký ức, đứa trẻ lên mười không quên được ánh mắt hằn học của cha dượng hướng về hai anh em nó. Nó không quên những lời cay nghiệt của ông, khi buộc chị phải lựa chọn giữa anh em nó và ông.

Ông ta sẽ ra khỏi cuộc đời chị nếu hai anh em nó còn sống trong nhà, chị phải cho chúng đi khuất mắt ông. Nó thầm ao ước mẹ sẽ chọn hai anh em nó nhưng… chị đã sợ những bữa cơm chỉ có cháo loãng với muối hột, sợ phải bươn chải cơm áo gạo tiền với hai đứa trẻ xanh xao, gầy gò nay ốm mai đau.

Người đàn ông ấy tuy không giàu có nhưng cũng mang lại được cho chị một cuộc sống sung túc. Và, chị đã dập tắt cái khát khao thầm kín trong nó, đành đoạn cắt đứt sợi dây tình cảm thiêng liêng nhất.

Mong doi tinh tham
Ảnh: Shutterstock

Một đêm, nó tình cờ nghe ông ta thì thầm với chị, rằng hãy đem hai anh em nó đi cho, mỗi đứa một nhà, một xóm khác nhau. Có vậy để anh em nó không biết đường tìm nhau. Ông ta sợ, cho vào một nhà hoặc gần nhau, anh em nó tìm gặp được nhau rồi lại dắt nhau tìm về với chị.

Tiếng dạ của chị nhẹ hều mà nó nghe như tiếng sấm vang bên tai. Nó nghẹn cứng. Lần đầu tiên nó khóc mà không rơi nước mắt… Và đó cũng là lý do người mẹ từ chối cho đứa con gái khi đụt mưa, bởi nhà ấy chỉ cách gia đình nhận nuôi thằng anh vài trăm mét.

Nó may mắn được vào một gia đình nền nếp, hiền lành, còn em gái của nó thì không biết trôi dạt về đâu. Tuổi thơ của nó là chuỗi ngày khắc khoải, khát khao tìm lại được em gái của mình.

Nó thường trốn nhà lang thang qua các xóm bên tìm kiếm. Đi chăn trâu, nhổ cỏ ngoài đồng, gặp ai nó cũng hỏi thăm về em gái. Cái lắc đầu của mọi người không làm cho nó thôi hy vọng.

Năm mười lăm tuổi, nó lại xin phép cha mẹ nuôi cho nó đi tìm em gái. Nó xuôi ngược khắp nơi dò hỏi nhưng không một ai biết tăm tích em gái nó. Đến nay đã hơn 5 năm, cuộc kiếm tìm của nó chỉ vô vọng, nhưng nó vẫn không ngừng hy vọng.

Nghĩ về mẹ, nó luôn cầu mong cho mẹ được hạnh phúc dù đớn đau, oán giận vẫn như những con sóng ngầm trong lòng nó.

Nó nghẹn ngào: “Người ta bảo hùm dữ còn không nỡ ăn thịt con, vậy mà đành lòng nào mẹ em…”. Nó im lặng rồi bất chợt vỡ òa trong tiếng khóc: “Bao nhiêu năm rồi em vẫn ở đây chờ đợi, sao mẹ không một lần trở lại tìm em? Em nghe người ta kể, mẹ đem bé út đi cho nhiều nhà lắm nhưng không ai nhận nuôi. Em hy vọng mẹ đã suy nghĩ lại và đưa nó về sống với mẹ”.

Tôi tự hỏi, người đàn bà ấy có hạnh phúc không trong sự chọn lựa của mình? Ở một nơi nào đó, người mẹ ấy có biết, trong lòng con trai là nỗi niềm khắc khoải, chờ mong tìm lại được tình thâm?

Bội Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI