'Sợi lạt' yêu thương

10/07/2015 - 11:35

PNO - PN - Suốt từ năm 1975 đến khi nghỉ hưu, cô Tám (Thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung) làm Phó giám đốc, Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Từ Dũ. Bao nhiêu đàn em, con cháu vượt qua về chức vụ, trọng trách và tiền bạc nhưng chúng tôi không thấy cô Tám sốt ruột, so bì. Trong gia đình hay ngoài xã hội, cô tiếp cận các vấn đề phức tạp, những “ca” khó rất nhẹ nhàng bằng tình cảm, bỏ qua những xét nét lý trí. Bao giờ cô cũng tìm được lý do để cảm thông, tha thứ. Cô Tám của tôi như vậy đó. Vì thế mà những đứa cháu như tôi vẫn quen gọi cô mình bằng cái tên thân thương, gần gũi trong gia đình: Tám.

edf40wrjww2tblPage:Content

“Cục nam châm” chung thủy

Nhiều người đã biết về con đường Tám đi qua, từ thư ký Huyện ủy Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre), y tá kháng chiến, những trầm luân vào tù ra khám, những cam go gặp phải trên đường cách mạng và vượt qua để cuối cùng trở thành một Anh hùng lao động, một nhà từ thiện tận tâm. Chuyện kể về Tám, xin được bắt đầu từ tiếng súng nổ của bọn phục kích cách nhà nội tôi ở Kinh Mới vài trăm mét, giữa cánh đồng nối ấp An Quy - An Hòa (xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày). Một ngày của năm 1952, nghe tiếng súng nổ, cả nhà đang ăn cơm chiều vội chạy ra hiên nhà, ngóng thấy mờ xa bọn lính chạy gấp qua cánh đồng, la hét văng vẳng. Đến tối, cha tôi về báo tin dượng Tám Thanh đã bị địch phục kích bắn chết.

Tôi không biết trái tim Tám đã đau khổ, nát tan ra sao khi nhận hung tin chỉ khoảng một năm sau kết hôn. Lúc này, cô mới 20 tuổi và dượng 24 tuổi, là Phó bí thư Huyện ủy Mỏ Cày. Chồng chết, không được thờ chồng, không được cúng giỗ. Công việc cách mạng thúc giục từng ngày từng giờ. Nỗi đau đáu này, Tám gói gọn trong câu thơ: Mới nửa chừng xuân (mà) phải đốt nén hương lòng… Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tám lặng lẽ di cốt dượng Tám Thanh về quê nhà Hải Phòng.

Tám là một người phụ nữ đẹp, thông minh, sắc sảo, mạnh mẽ, lại khéo léo, dịu dàng trong giao tiếp. Một phụ nữ như vậy, dù đã có một đời chồng, vẫn luôn là niềm ước ao của nhiều người đàn ông chưa vợ lúc bấy giờ. Đến thăm cô Ba Định ở Hà Nội, khi nhắc đến chuyện riêng tư cô Ba đã nói: “Cô Tám con như một cục nam châm vậy!”. Vài năm sau đó, do sự tác động của Huyện ủy và cô Ba Định, Tám đã kết duyên cùng ông Huỳnh Thanh Mua (Huỳnh Xuân Thủy), một người đàn ông chưa từng lấy vợ.

Từ đó, bên cạnh tên thật Tạ Thị Tám, cô có thêm tên Tạ Thị Chung để kết nối với tên chồng: Chung Thủy. Người đời gọi cô là Hai Chung theo thứ bậc bên chồng. Tình nghĩa phu thê son sắt càng nồng đượm khi năm 1955, Tám hạ sinh con trai đầu lòng tên Huỳnh Thanh Xuân và năm 1961, con gái Huỳnh Thị Thanh Thủy chào đời giữa giông bão cách mạng miền Nam.

'Soi lat' yeu thuong

Bà Tạ Thị Chung cùng chị dâu - Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhàn

Có dõi theo cuộc sống của gia đình cô dượng, nhất là lúc dượng mắc bệnh hiểm nghèo mới thấy hết tình yêu, trách nhiệm và sự hy sinh họ dành cho nhau. Tám nói cả hai người chồng của cô đều là tình yêu lớn, vị tha, không nhỏ nhen, hẹp hòi và họ đều có trách nhiệm với gia đình. Tiếc rằng cuộc hôn nhân với dượng Tám Thanh quá ngắn ngủi và trong thời loạn lạc, dượng khó có thể biểu lộ tình yêu, trách nhiệm nhiều hơn.

“Lạt mềm buộc chặt”

Trong gia đình, Tám kiên trì và quyết liệt chống lại hai “bệnh” uống rượu và hút thuốc lá của các “mày râu”. Có lần cô dắt dượng và em Xuân vào Bệnh viện Ung Bướu để mục sở thị các bệnh nhân ung thư vòm họng. Mỗi lần nhà có đám tiệc, giỗ quải hay tết nhất, Tám thường ngồi ở vị trí bao quát để quan sát, “canh me” và “chỉ huy”, nhắc nhở bàn tiệc của con cháu. Ôn hòa nhưng kiên quyết, Tám bẻ gãy những lời chống chế “một năm chỉ gặp nhau vài lần chứ có phải ngày nào, tuần nào cũng uống đâu!”.

Trước kia thì khi sập tối và bây giờ thì vào buổi sáng, cô Tám miệt mài nhấc điện thoại gọi lần lượt từng đứa cháu, không kể U80, 70, 60. Trước, Tám gọi để xem đêm đêm các cháu trai của mình ở đâu, có lê la quán xá hay ở nhà phụ giúp vợ, giáo dục con cái (việc này được 100% cháu dâu đồng thanh tán thưởng, khích lệ và ca ngợi). Giờ, Tám gọi xem con cháu có khỏe, có sự cố nào để còn ứng cứu. Ít có sự việc nào trong nhà qua mắt được cô, từ sinh con đẻ cháu, trị bệnh, học hành của lũ nhỏ đến việc hục hặc vợ chồng… nhiều khi cũng phải nhờ đến Tám san sẻ, đùm bọc, khuyến khích đứa khá, giúp đỡ đứa khó cũng là ưu tiên của Tám.

Nhưng việc này đôi khi cũng làm cô dâu trong một số gia đình con cháu khá giả “nhảy dựng”. Tám không ngán ngại và lại rỉ tai thuyết phục, động viên. Cuối cùng, con cháu cũng thấy được tấm chân tình của Tám. Vì chung quy, Tám muốn con cháu mình sống tốt hơn, hạnh phúc hơn.

'Soi lat' yeu thuong

Bà Tạ Thị Chung (trái) nhận Huy hiệu 65 tuổi Đảng, năm 2015

Hễ nghe con cháu kêu cứu, Tám ra tay ngay, đầu tiên là giúp để chúng không té ngã, còn mọi việc đúng - sai tính sau. Trước những khuyết điểm, lỗi lầm, đôi khi nghiêm trọng của con cháu hay anh chị em, tôi thường thấy Tám nuốt buồn giận vào lòng và nhẹ nhàng, lẳng lặng tìm cách tiếp cận vấn đề, xoay chuyển sao cho ít ồn ào, ít tổn thương nhất. Mỗi “ca” Tám có một cách xử lý, có thể là góp ý nhẹ nhàng, răn dạy hoặc tiếu lâm hóa câu chuyện để “đương sự” thấy vấn đề không nghiêm trọng, bớt xấu hổ, từ đó quay lại.

Trước kia, do trong đơn vị có “đánh” nhau nội bộ, tôi suýt bị đình chỉ công tác. Đang chuẩn bị đi Pháp, nghe tin, cô bảo: “Chắc Tám phải ở nhà phụ con xoay xở”. Tôi nói Tám cứ yên tâm đi Pháp và hứa sẽ tự giải quyết được. Sau chuyến đi, vừa về đến nhà, Tám gọi điện thoại hỏi: “Chuyện đó sao rồi con?”. Nghe thương gì đâu!

Em Yến (dâu của Tám) được Tám hết mực yêu thương và tạo điều kiện phát triển sự nghiệp. Sinh con được ít lâu, công ty cử Yến đi Nhật học. Em cứ lần lữa, trù trừ không nỡ xa rời con gái bé bỏng. Tám ra sức động viên Yến, hứa sẽ thay con dâu chăm nom cháu và Tám đã làm quá tốt lời hứa của mình. Với quan niệm phụ nữ phải luôn trau dồi, tự làm mới mình, đừng để tụt hậu về kiến thức... Tám làm một điểm tựa để “phe kẹp tóc” trong và ngoài gia đình phấn đấu.

Dù tuổi tác của Tám đồng lứa với không ít con cháu (do Tám là thứ út trong gia đình đông anh em), nhưng tôi thấy Tám “đóng vai” cha chú rất đạt, đúng dáng vẻ của bề trên và rất mẫu mực. Nhiều người cháu nói vui là ao ước… chết trước để được Tám lo hậu sự. Cái này hài hước nhưng cũng thực tế. Sẽ lâu lắm mới có thể có một thành viên như Tám, chăm lo cho gia đình từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, từ những người còn trong bụng mẹ đến người già, người bệnh, người đã mất…

Đại gia đình hòa thuận, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, chia sẻ khó khăn, động viên nhau cùng tiến bộ, kết nối mật thiết từ Mỏ Cày, Bến Tre đến Cà Mau và TP.HCM… công đầu thuộc về Tám. Tuy nhiên, Tám cũng có đôi lần thất bại, như việc khuyên giải người anh trong chuyện tình cảm không được, phải ngậm đắng nuốt cay vào lòng nhưng ít ai thấy Tám hậm hực hay ồn ào cãi vã. Tám vượt qua nỗi đau rất kiên cường, bản lĩnh và cao thượng, vị tha.

'Soi lat' yeu thuong

Các con cháu chúc Tết bà Tạ Thị Chung dịp Tết Ất Mùi

“Bà tiên” bình dị

Không biết Tám đã giúp bao nhiêu người, bao nhiêu lần trong suốt cuộc đời mình. Nếu có thống kê, tôi nghĩ con số đó là kỷ lục. Tôi nhớ có lần viết thư cho Tám giới thiệu mấy nữ nhân viên sang Bệnh viện Từ Dũ khám bệnh gì đó mà họ không tiện nói với đàn ông. Khi về, mấy cô hí hửng khoe: “Bà Tám đã giúp khám bệnh, còn phát quà” (là mấy hộp dụng cụ ngừa thai). Đó là vào thập niên 80 của thế kỷ trước, ai cũng nghèo túng và khó khăn.

Từ bao giờ, Tám là cái tên, là địa chỉ mà con cháu nghĩ ngay đến khi có chuyện buồn vui, khi gặp khó khăn, nguy khốn trên đường đời cần cứu giúp. Nhiều khi tôi tự hỏi, sao Tám có thể làm nhiều việc cho người, cho đời, cho gia đình, con cháu như thế? Đôi lúc nằm nhắm mắt hình dung về Tám, tôi thấy một người phụ nữ tóc đen khi còn trẻ và bạc tóc khi về già như bà tiên nhẹ nhàng cứu giúp nhân gian, phía sau là ùn ùn đám người trẻ tuổi, trong đó có nhiều con cháu cùng theo hỗ trợ cô. Tôi dần tìm ra lời đáp, đó là do cô yêu thương gia đình, đồng loại và mọi người cũng yêu thương cô vô hạn.

Có bao nhiêu mỹ từ ghép vào cái tên bình dị - Tám? Tôi nghĩ là rất nhiều: một người đàn bà đẹp, cao thượng, giàu lòng vị tha, bác ái, dũng cảm vượt qua nghịch cảnh và vào tuổi “hoàng hôn” có phước, có hậu.

 TẠ THU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI