Hành trình sum họp

13/02/2015 - 06:20

PNO - PN - Mười năm xa nhà là mười năm trĩu nặng hành trang thu vén trở về quê đón Tết. Từ khi còn là cô sinh viên, chen chúc mua một vé tàu Tết đến nghẹt thở cho đến khi một mình rong ruổi hàng trăm cây số nghe gió lạnh thổi phần phật...

edf40wrjww2tblPage:Content

Người ta nhắc nhau Tết sum vầy thường là ở giây phút đã đông đủ mặt người, là cười nói vui tươi. Chứ không nhắc đến những chặng đường ngược xuôi miên miết cô đơn và bao bất trắc luôn kề cận. Bởi vậy mỗi khi đi ngang các bến xe ngày lễ Tết, tôi thường dừng lại tìm bóng mình trong đó để nhen lên thương cảm những phận người. Trong hành trình đó người ta nhắc nhau “Tết nhất đến nơi rồi đi chậm lại thôi”.

Người ta nhủ thầm “Gắng một chút nữa thôi là về đến nơi rồi”. Đôi bàn tay cầm lái đã tê cứng, chân hai lớp tất vẫn còn buốt sương. Bụi đường quện mưa xuân nặng trĩu cả mi, chiếc xe như con lừa già xóc liên hồi kêu lọc cọc. May mà có cành đào ủ nụ cột sau xe làm bạn đồng hành. Hoa biết cất lời tâm giao bằng hương xuân sắc ấm…

Hanh trinh sum hop
 

Những chuyến tàu giáp Tết thường không có chỗ ngồi dù có cầm được vé trên tay. Ai cũng tay xách nách mang đủ thứ đồ chen chúc tìm một chỗ đứng trong phòng chờ chật chội. Người ngồi lên cả đồ đạc lại có người chỉ đứng được một chân, tay níu vội vào vai ai đó làm điểm tựa. Tiếng trẻ con khóc ầm ĩ át cả tiếng rôm rả chuyện trò.

Có vài người đã cởi bỏ áo khoác vì nóng, ngửa cổ lên cho dễ thở. Loa nhà ga lẹt xẹt thông báo chậm tàu, lẹt xẹt nhắc nhở mọi người nhớ chú ý phòng kẻ gian lợi dụng. Cả trăm tiếng thở dài cùng cất lên một lúc “lại chậm tàu”, quen thuộc quá mà cũng ngao ngán quá.

Xe đẩy hành lý thuê dịp Tết chẳng cần tranh nhau khách, ai cũng muốn bỏ ra hơn chục bạc để tay chân xương khớp đỡ mỏi nhừ. Chật chội thế nhưng vẫn đủ rộng lượng những tấm lòng. Khi anh bạn trẻ bỗng đứng bật dậy nhường ghế cho một cụ già vừa bước đến. Gặp phụ nữ mang bầu nhiều người không ngần ngại xin xách giùm hành lý.

Thấy chị bán bánh mì than “ế ẩm thế này lấy đâu tiền sắm Tết cho con”, là có mấy cánh tay nhoi lên khỏi đám đông vẫy vẫy. Đứa nhỏ bán vé số rao khản cổ, đang buồn bã thất vọng vì tiếng mình lạc đi trong muôn vàn âm thanh ồn ã khác. Thì bỗng có người níu áo “đã bán được nhiều chưa con? Để cho cô hai vé”. Thằng bé nhoẻn cười, khuôn mặt sớm nhọc nhằn mưu sinh ấy ánh lên chút niềm vui.

Hanh trinh sum hop
 

Tàu chạy rồi bỏ lại thành phố phía sau. Toa tàu ì ạch chở nặng niềm vui ngày sum vầy trong lố nhố mặt người đang chen lấn. Trước cửa nhà vệ sinh, lối lên xuống, tất cả đều đã chật cứng người. Hàng hóa vứt vào qua cửa sổ tận toa đầu, còn người thì mắc kẹt ở toa cuối. Nhưng ai cũng có một cái bọc ôm khư khư trước ngực. Có khi chẳng phải tiền nong, vàng bạc gì đâu.

Là con búp bê mua cho đứa nhỏ ở nhà, là bộ quần áo sắm biếu mẹ già làm quà năm mới. Sợ để vào ba lô vứt lẫn lộn trên tàu, đông quá người ta dẵm vào nhăm nhúm mất. Có anh chàng béo ục ịch đứng khum người che chở cho một chậu hoa nhỏ xíu. Anh bảo đã rất kỳ công ươm nó, là món quà tặng người yêu sau nửa năm trời xa cách.

Trong hành trình sum họp ngày xuân nhọc nhằn vậy mà không ngớt tiếng cười. Chẳng thân quen nhưng vẫn kéo nhau gần bằng câu chuyện quê nhà mộc mạc. Ai đó tính đi làm ăn xa hết năm nay thôi, ra sau Tết thì ở nhà làm ruộng, biết là cực nhưng lại được gần con. Ai đó kể ông bà chủ nhà tốt lắm, thưởng Tết rồi còn mua sắm cho đủ thứ bảo “mang về cho tụi nhỏ”. Ai đó thở dài vì năm nay làm ăn không suôn sẻ, tính về mua cho cả nhà cái ti vi mới mà chắc không đủ tiền.

Thỉnh thoảng cả toa tàu bỗng lặng đi, chân đã tê, xương cốt muốn rụng rời vì nhức mỏi. Chợt tiếng nhạc chuông điện thoại của ai đó vang lên “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con/ Khi thấy mai đào nở vàng bên nương…”. Cô bé sinh viên tay còn ôm cuốn từ điển trong tay, ngó qua cửa sổ bỗng reo lên trong trẻo “Tàu sắp về đến ga rồi mẹ ạ. Đường đông lắm, con tự bắt xe ôm về, mẹ đừng đi đón”. Trời đã nhá nhem, chuyến tàu Hà Nội - Lào Cai đang trả mong ngóng, sum vầy về những sân ga cuối…
 

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI