Mẹ chồng là phải cay nghiệt?

22/07/2018 - 11:00

PNO - Em cùng nhóm phụ huynh đi uống cà phê lúc chờ rước con. Không biết má nghe thêu dệt thế nào, xông vào quán tát em nổ đom đóm. Má bắt em ký giấy nhận tội có quan hệ bất chính...

Tôi gặp lại em sau nửa năm lấy chồng, kinh ngạc khi thấy em gầy rạc. Nhà chồng em giàu có nhưng bữa cơm nào cũng lấy nước rau luộc làm canh, thêm món cá vụn kho mặn. Má chồng em nói thức ăn giờ độc, ăn ít thì lâu chết. 

Chồng em làm ở công ty nước ngoài nhưng túi chỉ có ít tiền lẻ vì thẻ ATM má giữ. Mỗi sáng, cả nhà xếp hàng chờ má phát tiền dằn túi. Em về làm dâu, cũng phải theo lệ.

Me chong la phai cay nghiet?
Chồng thương cũng chẳng dám bênh vợ. Hình minh họa.

Quần áo sờn cũ, em xin má giữ lại ít tiền sắm sửa. Má nói đàn bà có chồng, diện cho ai xem. Đi làm về, má giao em quét lau từ sân thượng xuống đất, lo cơm nước, giặt giũ. Chồng em xót vợ, phụ một tay. Má nói đàn ông lăn vô bếp là hết xài.

Chẳng bao giờ má hài lòng, chỉ có chê trách: bàn ghế bao lâu rồi chưa lau, nồi sao không ngăn nắp, hũ muối, đường sao bụi bám dơ?… Chồng em an ủi: “Sau này, má giao lại tài sản cho vợ chồng mình, nên tập cho em biết quán xuyến. Em ráng đi”.

Ba má em khuyên: “Người ta dạy sao thì nghe vậy, người ta mới thương”… Em hay mơ thấy đang vẫy vùng tuyệt vọng giữa dòng nước xiết. Không có ai cứu em. Ai cũng nói em bơi được mà, ráng đi, chút xíu tới bờ rồi…

Hai con vào tiểu học, má nói thuê người đưa rước tốn tiền. Em xin nghỉ việc, làm xe ôm bất đắc dĩ. Mấy lần, em cùng nhóm phụ huynh đi uống cà phê lúc chờ rước con. Không biết má nghe thêu dệt thế nào, xông vào quán tát em nổ đom đóm. Má bắt em ký giấy nhận tội có quan hệ bất chính, cam kết khi ly hôn không chia tài sản. Chồng khuyên em lánh mặt một thời gian, đợi má nguôi giận. Hơn 20 năm làm dâu, em xách túi nhẹ hẫng rời khỏi nhà chồng, bàng hoàng như vừa bước qua kiếp khác. 

Nửa năm sau má bị tai biến, người chỉ còn da bọc xương. Em cố gắng nghe xem đâu đó có dậy lên chút thương xót nào không. Tuyệt nhiên không. Em rất muốn thương má, nhưng không biết vin vào lý do gì và bắt đầu từ đâu để yêu thương mọc mầm.

Me chong la phai cay nghiet?
Má ép em đến không còn đường sống. Hình minh họa.

Nhà chồng của em họ tôi có hơn chục công vườn. Má chồng em nói từ nay trong ngoài giao hết cho em. Tiếng là giao nhưng xoài chưa ra bông, má đã bán xoài lá. Dừa thì hai tháng một lần, má kêu thương lái tới gom.

Phần em là mấy liếp rau cải, làm sao biến thành gạo, cá mắm thì làm. Em vụng về, mua được gạo thì không tiền mua cá. Má dằn mạnh chén cơm: “Chay tịnh vầy hoài chắc mau thành Phật”. Chồng em làm công an xã, lương đủ uống cà phê, thương vợ cũng không biết giúp cách nào. 
 

Me chong la phai cay nghiet?
Cuộc sống bên mẹ chồng khiến nhiều nàng dâu chết chìm. Hình minh họa.

Chị chồng em hiếm muộn, chữa bộn tiền vẫn không có kết quả. Má bảo chị đưa bé Nhím về ở cùng. Có hơi con nít, biết đâu vận may tới. Nhím mới bốn tuổi, em làm sao nỡ xa con, nhưng nhìn vẻ mặt má, em không dám trái lời. Một bữa, má đưa tờ giấy, bảo em ký tên cho Nhím cho chị Hai. 

“Tiếng là cho vậy thôi, con Hai phải nuôi con giùm vợ chồng bây, sướng quá còn gì”. Em rớt nước mắt bỏ ra vườn. Má bỏ ăn, ngày nào cũng rền rĩ: “Chị em mà nó không thương nhau, muốn chị nó vì tội không con mà bị chồng bỏ mới vừa lòng”. 

Chồng an ủi em: “Sau này Nhím sung sướng, chắc không bỏ vợ chồng mình”. Em ký tên cho con mà nước mắt như mưa. Nhím tập gọi nội thành ngoại, gọi em là mợ Ba, em đau như dao cắt…

Chị tôi sắp cưới dâu. Tôi hỏi chị chuẩn bị “chinh chiến” với con dâu ra sao. Chị nói có con dâu như thêm con gái. Dâu vụng thì dạy, không dạy được thì cho vợ chồng nó ở riêng. Phận đàn bà, dâu bể đa đoan. Nghĩ dặm đường xa dài con dâu sẽ đi, thương còn không hết.

Nhiều người mặc định làm dâu là phải khổ, làm má chồng là phải cay nghiệt. Sao phải tự mua dây buộc mình, tự trói lẫn nhau? Người cùng một nhà, sao không rộng lượng với nhau để cùng sống vui? 

Thùy Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI