Ca sĩ Đồng Lan - Thật thà với âm nhạc, thật thà với trái tim mình

14/04/2019 - 06:30

PNO - Có cảm giác Đồng Lan như một dòng suối nhỏ mát lành chảy róc rách trong thành phố này. Lúc nàng nói chuyện, lúc nàng mơ màng, lúc nàng hát… đều khiến mọi thứ xung quanh xôn xao, phập phồng.

Lan nói, nước thì cứ chảy đường đi của nước mà đá phải mòn thôi. Và người phụ nữ ấy, bàn chân cứ lí lắc, nhún nhảy về miền hoang dại của mình, dù lúc này, Sài Gòn đang những ngày hạ đổ lửa và lâu rồi tôi không được nghe những bản tình ca cho tới khi Lan cất giọng.

Ca si Dong Lan - That tha voi am nhac, that tha voi trai tim minh

"Tôi đến với nhạc Trịnh bằng sự thật thà"

Phóng viên: Đồng Lan vừa ra mắt album CD và đĩa than nhạc Trịnh. Không gian âm nhạc Trịnh Công Sơn rất rộng, ai cũng có thể dự phần được. Bước vào không gian đó, “phần” của Đồng Lan như thế nào? Chị có tham vọng làm mới/khác âm nhạc Trịnh Công Sơn không?

Về ngoại hình, cách ăn mặc của mình, tôi từng đọc những dòng kiểu như “Ghét cái cô ca sĩ này, ca sĩ gì mà xấu quá”. Lan có từng thấy mình xấu chưa? Có chứ, nhất là khi để mình bị buồn vì những lời nhận xét, phán xét của mọi người. Ai cũng có quyền có suy nghĩ riêng, họ không thích mình thì thôi, có gì phải buồn? Chính vì chúng ta cứ mặc định đưa ra một chuẩn mực chung về cái đẹp (chân dài, da trắng, mũi cao, mắt tròn xoe như búp bê…) nên những người không giống thế sẽ bị cho là… xấu. 

Tôi cho rằng việc đưa ra chuẩn mực về cái đẹp ngay trong chính những cuộc thi sắc đẹp cũng vô hình tạo nên thái độ thiếu nhân đạo giữa con người với nhau. Nhưng nói gì thì nói, thú thật, tôi cũng rất vui khi nghe mọi người nói Đồng Lan là duy nhất. Và “bật mí” thêm một điều nữa, những người nước ngoài thường xuyên khen tôi đẹp đấy (cả đàn bà lẫn đàn ông và trẻ nhỏ). Có lẽ vẻ đẹp của tôi đã vượt ra khỏi biên giới rồi chăng? 

Ca sĩ Đồng Lan

Ca sĩ Đồng Lan: Tôi chưa bao giờ chia phần cho mọi người hay tự chia cho chính mình trong nghệ thuật. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ một trái tim nghệ sĩ lớn như anh Sơn lại mảy may nghĩ đến việc chia phần cho từng đối tượng khán giả. Điều tôi cảm nhận được từ nhạc Trịnh là thứ tình yêu, vỗ về những vui buồn đời này cho những ai muốn chạm tới nó và yêu nó. Tôi cũng chẳng có tham vọng gì trong việc hát nhạc Trịnh, chỉ đơn thuần “muốn” hát nhạc Trịnh theo cách mà trái tim mình yêu cầu như thế. Và tôi tin khi làm bất cứ thứ gì thật thà với trái tim của mình sẽ dễ dàng chạm tới tim người khác. Thật thà giờ vốn là thứ xa xỉ và trái tim lúc nào cũng biết cách thu phát một tần số riêng mạnh mẽ…

* Nhưng tại sao chị chọn jazz mà không phải phong cách âm nhạc khác để thực hiện dự án đặc biệt này? Nhạc Trịnh và jazz liệu có mối liên quan nào đó?

- Người ta thường nói nhạc Trịnh là thứ nhạc sầu muộn; còn tôi lại nghe thấy sự rong chơi lãng đãng, chiêm nghiệm và sự thư thái ở đó. Trái tim muốn hát lên những giai điệu băn khoăn về đời này một cách lãng đãng, yêu - ái mà lạc quan, yêu tình yêu, yêu cả nỗi buồn vì tất thảy đều làm nên cuộc đời đáng sống này, dẫu chỉ là kiếp ở trọ thì cũng nên là một khách trọ “có lòng”. Và jazz là tiếng nói của trái tim tôi. Tôi đến với nhạc Trịnh bằng chính sự thật thà: “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”; không đặt nặng điều gì, cũng không bị áp lực bởi điều gì. Nhạc Trịnh là sự rong chơi với đời. jazz là sự rong chơi với giai điệu.

Ca si Dong Lan - That tha voi am nhac, that tha voi trai tim minh

* Lần đầu tiên chị nghe nhạc Trịnh, hát nhạc Trịnh là khi nào? Cùng với trải nghiệm và thời gian, ấn tượng về nhạc Trịnh hẳn đã khác so với ngày xưa?

- Tôi không nhớ chính xác mình nghe Trịnh, hát Trịnh từ bao giờ. Mà có cần phải nhớ không? Những ngày trước, tôi hát Trịnh khác, bây giờ hát khác. Có lẽ vì tôi luôn sống thật, hát thật với trái tim mình trước âm nhạc nên cảm sao thì hát lên như vậy. Trước kia, một người bạn của tôi mở “thiền quán” hay mời tôi tới hát nhạc Trịnh. Dạo đó, tôi hát Trịnh với trái tim tràn khao khát.

Giờ, tôi hát Trịnh khác xưa nhiều lắm, yên ả hơn, đi vào nội tâm và nhiều năng lượng tích cực hơn. Tôi nghĩ, có lẽ nhạc Trịnh hay ở chỗ mỗi người tự soi vào trong những câu chữ ấy mà vẽ lên mình, ai buồn thì nghe thấy buồn, ai yêu đời thì nghe thấy đời đáng để yêu hơn.

Có một kỷ niệm, ngày trước, sau khi tôi sáng tác Trói vào u mê - một ca khúc viết lên từ chính câu chuyện và nỗi niềm tôi gặp phải, lúc đó tôi buồn lắm và rất khó để chia sẻ với ai. Bài hát có câu: “Người còn nhớ không người?/ Phật bỏ chốn trần gian/ Người còn hát không người?/ Om mani padme hum?”. Rồi một đêm bỗng vô tình nghe: “Chúa đã bỏ loài người/ Phật đã bỏ loài người/ Này em xin cứ phụ người…”. Thế là tim bừng sáng.

Dù chưa một lần gặp, chưa một lần nói chuyện nhưng tôi thấy được sự đồng điệu trong tâm hồn, được sẻ chia, vỗ về, tâm giao. Từ đó, tôi yêu nhạc Trịnh nhiều hơn, thương kính anh Sơn nhiều hơn. Album có lẽ cũng vì thế có tên Này em có nhớ (Chérie, tu te rappelles?).

Vẻ đẹp ở khắp nơi

* Lâu nay, nhạc Trịnh bị cho là âm nhạc đã "toan về già" vì nó đã (bị) định hình về gu nghe, về cách hát nên nghệ sĩ trẻ thử sức hay bị nói là "phá nát" nhạc Trịnh. Chị nghĩ sao?

- Vẻ đẹp ở khắp nơi. Vẻ đẹp trong nghệ thuật càng nhiều. Làm nghệ thuật thì luôn cần sáng tạo nhưng không phải ai cũng tìm thấy và cảm nhận vẻ đẹp quanh đây, nhất là những người khó mở lòng và chung thủy với điều họ yêu thương đôi khi tới mức bảo thủ. Vì thế, những định hình là do chính con người tạo ra, vậy thì sẽ do chính con người phá vỡ. Trong đời này chỉ có mặc định chính xác nhất là con người ai cũng sinh ra và chết đi, vậy sao không mở lòng mà đón nhận thêm nhiều gia vị cuộc đời? Và ai đã trót yêu nhạc Trịnh mà không hiểu được tính nhân ái bao dung trong nhạc Trịnh thì quả là thiếu khuyết. Hãy yêu nhau đi!

Ca si Dong Lan - That tha voi am nhac, that tha voi trai tim minh

* Với việc phát hành album song ngữ Việt - Pháp, có người nói tham vọng quốc tế hóa nhạc Trịnh của Đồng Lan là quá sức. Nói gì thì nói, cộng đồng người nghe nhạc Trịnh ở Pháp không lớn. Chị sẽ nói gì?

- Tôi đâu có tham vọng gì, chỉ có liều làm theo trái tim xúi bảo. Nếu không liều thì giờ này tôi vẫn là một cô giáo sống và làm việc tại Hà Nội, sẽ chẳng có một Đồng Lan tung bay ca hát trên sân khấu và rong ruổi khắp nơi. Ước mơ lớn nhất của tôi là đi vòng quanh thế giới trước khi chết. Đi được thì quá hạnh phúc mà không đi được hết tận thì cũng chẳng buồn. Xưa giờ tôi hát mà chỉ một khán giả chăm chú nghe cũng là sướng rồi. Cứ hát hết lòng đi. Ai nói trước được điều gì sẽ tới.

* Đây có phải là dự án âm nhạc mạo hiểm nhất mà chị từng làm?

- Làm gì khó mới thích. Đây đúng là một dự án khó, tính cho tới thời điểm này nhưng tôi không muốn so sánh mình với bất cứ ai mà chỉ so với chính bản thân nên nếu ngày mai làm thêm được chuyện gì mới hơn ngày hôm qua cũng là một thành công xứng đáng để tự vui rồi. Ai mà biết được trong tương lai, Đồng Lan làm dự án nào đó... nguy hiểm hơn thì sao?

* Được biết, ngoài định dạng CD, Đồng Lan còn tung ra phiên bản đĩa than. Giờ làm CD đã là của hiếm lắm rồi, nói gì đĩa than. Chị có thấy mình “chơi” sang quá không? Chị không sợ lỗ ư?

- Lỗ chắc rồi, nhưng nếu cứ sợ thì chỉ nên ngồi trong hang, đừng làm gì. Mà tôi lại luôn thích chui ra khỏi hang. Nói về kinh tế thì lỗ nhưng cái lời thì tiền so không nổi. Đó là: hạnh phúc. Máu hâm nghệ sĩ đòi hỏi một món ăn khác, tiền không mua nổi mà phải… nhiều tiền mới mua nổi. Tôi bỏ rất nhiều tiền ra chỉ để “mua” hạnh phúc vì thấy bản thân có ích khi góp thêm cho âm nhạc Việt Nam một chút nhạc tử tế.

Dù nhỏ bé nhưng album này đã được làm bởi rất nhiều tình yêu dành cho nhạc Trịnh. Dẫu chỉ một nụ cười, một ánh mắt hạnh phúc khi khán giả nghe nhạc mình chẳng phải là quá xứng đáng với tiền bạc, tâm huyết bạn đổ ra sao? Huống chi tôi đã được thấy rất nhiều nụ cười, nhiều ánh mắt hạnh phúc hát cùng mình.

Ca si Dong Lan - That tha voi am nhac, that tha voi trai tim minh
 

* Vẫn là album tiếng Pháp nhỉ? Tôi cảm thấy Đồng Lan vẫn còn nặng lòng với tiếng Pháp lắm. Chị có thể chia sẻ một chút về tình yêu của mình với thứ ngôn ngữ này? Nó giúp chị ra sao trong việc diễn đạt tâm hồn, cảm xúc?

- Văn hóa Việt Nam ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa Pháp, thích thì cứ thích thế thôi. Làm cái mới thì lo bị nói rằng “phá nát, giết chết” cái cũ. Làm cái cũ thì lo bị cũ kỹ chẳng có gì mới. Ngày xưa tôi có hỏi người yêu: “Vì sao anh yêu em?”. Thật ra là muốn nghe chàng khen ngợi nhưng chàng chỉ trả lời đơn giản: “Anh yêu em vì anh yêu em”. Lúc đó, tôi giận lắm bởi nghĩ đàn ông sao lười suy nghĩ và vô tâm thế nhưng giờ thì đã hiểu, khi yêu một ai đó, một điều gì đó cũng chẳng cần lý giải. Chỉ biết tôi thấy mình bay bổng khi hát thứ ngôn ngữ này. Nếu để diễn tả về mình chắc tôi xin dùng một từ: “bay”.

Boléro jazz - tại sao không?

* Chị nói, nhạc Trịnh đã được Pháp hóa bằng trái tim của một cô gái còn chưa già đang đầy ắp ham muốn khám phá tình yêu thế giới. Có cảm giác, thế giới với chị lúc nào cũng đầy bí mật. Đồng Lan ngoài 30 rồi đấy. Chị có thấy mình lãng mạn và ngược đời quá không?

- Chủ nghĩa lãng mạn không có chỗ cho những lo âu theo kiểu thông thường. Ai hỏi tuổi, tôi luôn trả lời: “Mãi mãi tuổi 20”. Giữ tâm hồn nhiệt huyết trẻ mãi thì lo gì thời gian. Tôi từng nghĩ nếu có sống tới 90 tuổi thì tôi vẫn ăn mặc điệu đà, vừa đi vừa nhún nhảy theo một giai điệu yêu thích nào đó bắt gặp trên đường. Tại sao cứ phải giới hạn hành vi theo tuổi tác? Mình thích thì mình làm thôi. Mình làm điều mình thích thì mình sống khỏe và yêu thương đời này nhiều hơn thôi. Chọn sống “ngược đời” mà vui, có ích hay “xuôi đời” mà tù túng buồn khổ là tùy bạn.

* Không ít người thắc mắc: giọng Đồng Lan đẹp thế, sao Đồng Lan không được xếp vào hàng diva kế cận của nhạc Việt?

- Tôi tôn trọng việc xếp hàng để mua vé lên máy bay nhưng rất sợ phải xếp hàng. Nếu có thể, tôi sẽ mua cho mình một cái chuyên cơ. Không cạnh tranh, không chờ đợi xét duyệt. Thích thì bay, không thích thì nghỉ…

* Sau album jazz Đồng Lan hát Trịnh này, chị có đang ấp ủ dự án nào không?

-  Sau Này em có nhớ sẽ là hai album nữa: Đừng yêu một mình - album gồm 10 ca khúc xen kẽ tiếng Việt và tiếng Anh và một album boléro jazz. Cả hai đều đã thu xong. Album Đừng yêu một mình dự kiến ra mắt năm nay dưới phiên bản CD và đĩa than. Album boléro jazz dự kiến ra mắt sau Đừng yêu một mình. Nhiều người nói Đồng Lan lười ra sản phẩm nhưng người ta đâu biết Đồng Lan lao động quần quật trong lặng thầm. 

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.

Ca si Dong Lan - That tha voi am nhac, that tha voi trai tim minh
 

“Khi ta yêu cùng một bản nhạc, và như thế, ta đã yêu nhau”

Chuyện tình yêu của Đồng Lan chắc cũng đầy màu sắc như những sáng tác mới trong album jazz vol 4 Đừng yêu một mình - Don’t love alone. Mỗi cuộc tình đều làm tim mình nở hoa và khát nước theo nhiều công thức khác nhau.   

Các ca khúc trong album này đều là những trải nghiệm thực nhiều màu sắc của tôi. Ca khúc chủ đề Đừng yêu một mình là sáng tác sau một lần cố tình thất tình, dấn bàn chân mình vào chút khổ, chút nhớ, chút khát khao... ngấm thật rồi viết thật. Tôi nghĩ, thật thà với âm nhạc chính là thật thà với trái tim mình, là tôn trọng những trái tim có thể đồng điệu với mình qua âm nhạc. Từ sau lần dấn thân đó, tôi cũng bắt đầu mở lòng yêu nhiều hơn, không “sợ chết” cũng chẳng “sợ yêu” nữa.

Cũng có ca khúc viết tặng cha tên là Tự hát, ca khúc viết tặng mẹ Cho con ôm mẹ vào lòng, viết tặng những người bạn Cưới nhau đi. Cũng lại có ca khúc viết tặng nỗi đau của chính mình là Trói vào u mê, viết tặng mọi người Thế thôi mình yêu đi. Khi ta yêu cùng một bản nhạc, và như thế, ta đã yêu nhau. Tôi yêu con người, tôi yêu tình yêu. Có người hỏi tôi, tình yêu là gì? Là một nụ hoa giấy hé nở buổi sáng trên chậu cây ngoài cửa sổ dù Sài Gòn những ngày rất nắng và chủ nhà thì mải rong chơi xa xôi không về nhà tưới cây. Hoa muốn nở thì cứ nở dù thiếu nước, dù bị lãng quên. Tình yêu có lẽ là một giai điệu đẹp nhất của đời một con người mà người ta không cần phải hát lên mới nghe thấy…

Ca sĩ Đồng Lan

Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI