Làm "sống" lại nhu cầu trò chuyện vợ chồng

23/07/2016 - 13:14

PNO - Những cuộc trò chuyện có thể bắt đầu ở bất kỳ nơi nào, lúc nào, khi một ngày mới bắt đầu, khi ăn sáng, trên đường đi, lúc đang cùng nhau giải trí... Những cuộc nói chuyện như chất keo gắn kết mối quan hệ vợ chồng.

Như bất kỳ cặp vợ chồng mới cưới nào, chúng tôi nói với nhau suốt ngày vẫn không hết chuyện. Nhu cầu đối thoại như một thôi thúc bản năng, giúp chúng tôi hiểu thêm về nhau và đạt được sự đồng cảm mà chỉ vợ chồng mới có. Những cuộc trò chuyện có thể bắt đầu ở bất kỳ nơi nào, lúc nào, khi một ngày mới bắt đầu, khi ăn sáng, trên đường đi, lúc đang cùng nhau giải trí... Những cuộc nói chuyện như chất keo gắn kết mối quan hệ vợ chồng.

Trò chuyện giúp hiểu nhau hơn

Thời gian ấy cả hai chúng tôi đều ở tuổi đôi mươi, vì thế hầu hết các cuộc nói chuyện của vợ chồng tôi đều xoay quanh những mối quan hệ trong quá khứ, cách mà chúng bắt đầu, kéo dài và kết thúc, rồi những bài học mà chúng tôi đúc kết từ chúng. Chúng tôi kể về những mối tình cũ để so sánh với mối tình hiện tại.

Liệu những mối tình cũ có lớn lao hơn những gì mà chúng tôi đang có? Chắc chắn là không. Rồi chúng tôi kể về những trăn trở, những nỗi buồn, những giấc mơ đã tan vỡ. So sánh với cha mẹ của mình, những người mẹ làm lụng suốt ngày và những ông bố nghiêm nghị. Chúng tôi kể về những người bạn đến và đi; về sự nghiệp, cách mỗi người thăng tiến, thất bại và thành công.

Tiếp đến là những chủ đề về tương lai, những cuộc nói chuyện về các giấc mơ viển vông, sau đó là những cuộc bàn luận về những gì chúng tôi muốn có được từ cuộc hôn nhân này: bao nhiêu đứa con (anh muốn có hai đứa con gái và một trai. Tôi lại muốn có hai đứa mà con đầu phải là gái), tên chúng tôi muốn đặt cho các con, như trai thì đệm chữ Trung (là tên anh) và gái thì tên lót là Ngọc như của tôi.

Có cả những buổi bàn luận cực kỳ nghiêm túc như mua nhà mới với diện tích bao nhiêu, trang trí nhà ra sao (tôi thích trồng hoa, anh lại bàn đến việc trồng rau trên sân thượng), quản lý tiền bạc, tài sản... Bên cạnh các chủ đề sâu xa là những câu chuyện lặt vặt, những trò đùa buồn cười, những lần say xỉn, lạc hướng, tai nạn xe cộ, quậy phá bạn bè hay câu chuyện của chồng tôi khi anh té cầu thang ngay trong buổi đi xin việc đầu tiên...

Lam
Ảnh mang tính minh họa

Chúng tôi cũng bàn về những điều nhỏ nhặt, các chi tiết trong tính tình của mỗi người: các bộ phim mỗi người chúng tôi yêu thích, các món ăn "hợp khẩu" và “lạc điệu”: tôi không ăn nổi ớt chuông trong khi chồng tôi ghét dưa leo. Anh ấy thích nói về những dòng sông, nơi anh trải qua tuổi thơ của mình với trò câu cá và tắm sông.

Tôi kể về những câu chuyện cổ tích được bà ngoại kể lúc ru ngủ. Chúng tôi chọc cười chính mình về những tật xấu, những thói quen kỳ cục như chồng tôi thường bị cứng hàm khi vừa ăn một miếng ngon, tôi lại hay thốt lên “ông nội ơi!” khi bị bất ngờ. Những chủ đề thân mật nhất tôi và chồng có thể bàn luận mà không phải e dè như chuyện chăn gối cũng thường được đề cập. Mỗi khi kết thúc cuộc nói chuyện, chúng tôi đều cảm thấy mình thấu hiểu người bạn đời thêm một chút.

Vào lúc đó, có cảm giác như vợ chồng tôi không có đủ thời gian để nói hết chuyện, và không thiếu chuyện để nói. Rồi tôi và anh bàn về việc có con...Chúng tôi bàn về đứa thứ nhất, sau đó lại bàn về đứa thứ hai...

Khoảng trống đáng sợ

Sau bảy năm chung sống, cuộc hôn nhân của chúng tôi đã trở nên khác hẳn. Khi đã đưa các con đi ngủ, chồng và tôi lại ngồi với nhau bên giường với laptop trong lòng và điện thoại trên tay. Chúng tôi chỉ ngồi bên cạnh nhau như thế, không nói chuyện, không tương tác gì cả, gần gũi nhưng xa lạ. Lối sống thân mật về thể xác nhưng cách biệt về tinh thần này lan vào cả những sinh hoạt hàng ngày. Cả hai vẫn ngồi trên ghế cùng xem ti vi, nhưng việc bàn luận - thậm chí về nội dung đang xem, là tối thiểu.

Vào bếp tôi nấu nướng một góc, anh ấy cũng phụ giúp ở một góc, nhưng có khi cả hai không nhìn vào mặt nhau. Dường như có một khoảng trống cách biệt giữa chúng tôi.

Thực ra vợ chồng chúng tôi vẫn nói chuyện, nhưng “ưu tiên” cho những chủ đề bức thiết nhất: con tan học lúc mấy giờ, ai sẽ đi đón, chúng muốn ăn món gì, tiền điện, tiền nước, sắp xếp công việc hàng ngày... Tóm lại chỉ là những chủ đề nhàm chán mỗi ngày. Ngay cả trong chuyện chăn gối, chúng tôi cũng chẳng thèm mở miệng. Anh ấy chạm vào sau lưng tôi, mong muốn được gần gũi, tôi cong người né qua một bên, ý là: “tối nay không được” - và thế là hết, cả hai đi ngủ.

Đến một lần, nhân việc chồng tôi vừa được thăng chức, chúng tôi quyết định gửi con cho bà ngoại và đi ăn nhà hàng. Chúng tôi ngồi vào bàn, im lặng thưởng thức các món ăn. Bỗng nhiên tôi nhớ lại cảnh trong bộ phim Eternal Sunshine of the Spotless Mind (Ký ức tình yêu), khi cặp đôi diễn viên chính (Jim Carrey và Kate Winslet) cũng đang ăn một cách im lặng trong nhà hàng và bỗng nhận ra các cặp đôi khác ngồi xung quanh họ cũng không nói chuyện với nhau. Tôi nói lại với chồng về suy nghĩ ấy, anh trầm ngâm một lúc rồi nghiêm mặt: “Chúng ta cần nói chuyện với nhau, em ạ”. Tôi im lặng, anh nói tiếp: “Ý anh là, cứ nói chuyện thôi, cái gì cũng được”.

"Đánh thức" nhu cầu trò chuyện

Thế là chúng tôi bắt đầu một hành trình tìm cách làm “sống” lại những cuộc nói chuyện. Ngay tối hôm đó, chúng tôi ngồi lại bên giường, tắt chuông điện thoại, cất laptop qua một bên và nhìn vào mắt nhau - tìm cách gầy dựng những cuộc nói chuyện đã từng tồn tại trong những năm đầu mới cưới. Gần như cùng lúc cả hai đều thốt lên câu hỏi: “Vậy anh/em muốn nói về cái gì?”. Vài tràng cười ngượng nghịu rồi chúng tôi lại tiếp.

Kể về con cái, chồng tôi mô tả một chuyện nhỏ vừa xảy ra hồi chiều: “Bảo thằng cu Nấm tắt vòi, đừng phí nước nữa thì nó tức mình vặc lại anh rằng sao cũng có lần bố làm phí khoai tây rán khi để nó cháy khét”. Tôi phì cười, anh cũng cười theo vì sự láu lỉnh của đứa con năm tuổi. Nhưng chủ đề con cái cũng nhanh chóng trở nên nhàm chán, bởi lúc nào mà chúng tôi chẳng nói về chúng. Có vẻ như chỉ tìm cách nói chuyện lại với nhau là không đủ, vì thế vợ chồng tôi đã tìm đến một giải pháp khác.

Chúng tôi thu xếp công việc, gửi hai đứa con qua nhà ông bà nội và bắt đầu một chuyến về với thiên nhiên. Giữa cảnh núi rừng Nam Cát Tiên hoang sơ và trong lành, vợ chồng tôi được giải phóng khỏi những áp lực của cuộc sống thường nhật. Chúng tôi băng rừng, đắm mình trong khung cảnh thơ mộng, dừng lại nghỉ, uống nước, và vào những lúc đó chúng tôi lại nói chuyện. Tôi và anh ấy quên mất việc “phải cố gắng nói chuyện với nhau” mà đơn giản chỉ là… nói chuyện - một cách tự nhiên.

Hóa ra có những nơi rất thích hợp để kích thích những cuộc trò chuyện. Lúc ở nhà, con cái của tôi cũng vậy, khi ngồi bên bàn ăn mà hỏi hôm nay đến trường có chuyện gì mới thì chúng chỉ trả lời lấp lửng “dạ, không”. Ấy thế mà khi ngồi trên xe thì chúng huyên thuyên kể. Cũng như vậy, giữa chuyến du ngoạn, vợ chồng tôi lại có thể thư giãn và trò chuyện cùng nhau. Từ những chuyện xảy ra ở cơ quan, chuyện lặt vặt, tán tỉnh và cứ thế lan man từ chuyện này sang chuyện khác. Chúng tôi cũng hồi tưởng lại những ký ức cũ, từ những ngày đầu lãng mạn...

Bây giờ, mỗi năm vài lần, vợ chồng tôi bỏ lại phía sau cuộc sống thường nhật nhàm chán để đi du lịch, dành thời gian chỉ để ở bên nhau. Những cuộc trò chuyện nối đuôi nhau khi chúng tôi ở bãi biển, thăm thú các thành phố cổ, lái xe qua những cánh đồng lúa của miền quê. Đối với những cuộc hôn nhân kéo dài nhiều năm như của vợ chồng tôi, không lạ gì khi chúng tôi hết chủ đề để bàn luận. Nhưng không có nghĩa là ta không thể tiếp tục trò chuyện. Trong những ngày nghỉ đó, vợ chồng chúng tôi cảm nhận được sự đồng cảm của người đã cùng mình trải qua sóng gió cuộc đời. Sự ràng buộc thân thiết mà không mối quan hệ nào có thể đạt được. Và đó là cách mà chúng tôi đã hồi phục những cuộc trò chuyện vợ chồng, và một lần nữa làm “nóng” lại tình yêu dành cho nhau.

Trò chuyện vợ chồng là điều hết sức cần thiết trong cuộc sống lứa đôi, thể hiện việc vợ chồng quan tâm đến nhau và đến cuộc hôn nhân của mình. Theo năm tháng và những mối lo toan, nhiều cặp vợ chồng né tránh, ngại đối thoại, nhất là khi gặp vấn đề dễ gây mâu thuẫn. Không muốn, không còn nhu cầu nói chuyện, dần dà họ xa cách, không còn hiểu nhau nữa.

Để tránh rơi vào tình trạng “hôn nhân chết”, khi ở bên nhau mà như hai cái bóng, bạn cần chọn thời điểm thích hợp cho cuộc nói chuyện. Chẳng hạn không nên đem mâu thuẫn giữa mình và mẹ chồng bàn luận trong bữa cơm gia đình. Đừng bắt đầu cuộc trò chuyện theo kiểu lên án, kết tội: “Hôm qua anh đã nói muốn ăn canh chua mà tại sao em lại nấu canh cua rau đay? Anh không thích món này, làm vợ bao lâu mà em không nhớ à?”.

Khi người này đang nói, người kia chớ nên ngắt lời. Nên nhìn vào mắt nhau, tỏ ý lắng nghe và tôn trọng khi nói chuyện. Chủ động tạo ra “môi trường trò chuyện” cũng là cách để bạn đời kết nối với nhau. Hãy quan tâm từ điều nhỏ nhất đến những vấn đề phức tạp và đừng quên, bạn kết hôn là để có thêm một người đồng hành, chia sẻ.

ThS tâm lý Lê Loan Bảo Trâm

Ngọc Hân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI