Gửi tiết kiệm hay mua bảo hiểm làm của để giành cho con cái?

20/07/2019 - 12:45

PNO - Gửi tiết kiệm cho con là vấn đề được nhiều gia đình quan tâm. Tuy nhiên, chọn giữa gửi tiết kiệm ngân hàng hay mua bảo hiểm vẫn luôn là bài toán khó, khiến không ít cha mẹ phải đau đầu.

Phong phú loại hình 

Con chưa đầy tháng tuổi, vợ chồng chị Đoàn Thị Mỹ Châu (Q.7, TP.HCM) đã tính chuyện mở sổ tiết kiệm, để tránh tiêu xài lạm vào khoản tiền dành cho con sau này. “Không chỉ tiền chúng tôi tiết kiệm cho con mà người thân, họ hàng cũng có thể chuyển khoản tặng bé. Như vậy không lo cha mẹ “lỡ tay” xài hết tiền” - chị Châu cho biết.

Xu hướng lập tài khoản riêng cho con tại ngân hàng đang ngày càng thịnh hành. Các ngân hàng cũng cạnh tranh nhau, đưa ra nhiều loại hình tiết kiệm dành riêng cho các bé.

Đơn cử như sản phẩm “Tiết kiệm Phù Đổng” của Sacombank là dịch vụ tài chính dành riêng cho trẻ từ 0-15 tuổi, kỳ hạn từ 6 tháng-15 năm, chủ động số tiền nộp, khách hàng được nhận lãi suất có kỳ hạn và lãi suất điều chỉnh tăng/giảm ngay khi thị trường thay đổi lãi suất.

Gói tiết kiệm “Lớn lên cùng yêu thương” của BIDV theo kế hoạch tích lũy của khách hàng, được cầm cố tài khoản tiền gửi, có thể gửi bằng tiền mặt hay chuyển khoản từ các tài khoản khác hoặc chuyển khoản tự động.

Gói “Tiết kiệm tích lũy cho con” của VietinBank khách hàng gửi tối thiểu 100.000 đồng, được gửi chậm 10 ngày so với định kỳ và số dư tích lũy vẫn được hưởng lãi suất của kỳ hạn, có thể cầm cố sổ/thẻ tiết kiệm để vay vốn theo quy định của VietinBank… 

Điểm chung của các loại tiết kiệm này là đều đứng tên và thuộc quyền sở hữu của trẻ dưới 15 tuổi. Với sản phẩm này, các bé hoàn toàn được linh động chọn số tiền muốn góp thêm vào tài khoản của mình bất cứ lúc nào, không giới hạn số lần và số tiền nộp vào tài khoản. Song song đó, món tiền tiết kiệm của các bé vẫn được hưởng mức lãi suất có kỳ hạn. Lãi suất được áp dụng theo dạng bậc thang và theo số tiền 
thực gửi.

Gui tiet kiem hay mua bao hiem lam cua de gianh cho con cai?
Ngày càng nhiều các bậc phụ huynh có nhu cầu lập quỹ dự phòng tương lai cho trẻ

Nhiều phụ huynh mở sổ tiết kiệm tên con đơn giản vì muốn xem đây là hình thức để tạo lập “của để dành” cho cả nhà. Khác với gửi tiết kiệm thông thường, khách hàng lập sổ tiết kiệm cho con có thể gửi góp thêm tiền bất cứ lúc nào và qua nhiều hình thức như tại quầy, qua internet banking, mobile banking hoặc thậm chí qua ATM.

“Vì đôi khi tiêu xài hơi quá tay nên tôi không tiết kiệm được mấy. Với cách gửi góp tiền bất cứ lúc nào như vậy, tôi có thể dễ dàng tiết kiệm. Khi cần có thể rút bất cứ lúc nào. Tiện cả đôi đường” - anh Trần Văn Minh (nhân viên kinh doanh) chia sẻ.

Với hình thức này, cha mẹ cần lưu ý, mục tiêu để dành tiền cho con có thể “phá sản” với những người vốn không thực sự có kế hoạch thật rõ ràng và hay có nhu cầu xài tiền một cách… ngẫu hứng, dẫn đến chuyện phải rút tiền giữa chừng.

Ngoài ra, trong trường hợp cha mẹ xảy ra sự cố, con cái khi đến tuổi trưởng thành vẫn hưởng đúng số tiền theo hợp đồng đã mua bảo hiểm, còn với sổ tiết kiệm con sẽ chỉ nhận đúng bằng số tiền đã gửi. Do đó, nhiều phụ huynh cho biết bên cạnh lựa chọn gửi tiết kiệm tích lũy, họ vẫn có xu hướng mua bảo hiểm cho con đến năm 18 tuổi để… tự ràng buộc mình.

Bảo hiểm thường mang lại sự bảo vệ tài chính cho gia đình trước những rủi ro bất ngờ trong cuộc sống. Thậm chí, hiện nay nhiều gói bảo hiểm tích lũy cho con còn được các công ty bảo hiểm chi trả lãi suất hàng tháng giống như gửi tiết kiệm ngân hàng. Việc tăng thêm quyền lợi trong bảo hiểm đã kéo nhiều khách hàng lựa chọn dịch vụ này.

Không dừng lại ở đó, công ty bảo hiểm cũng có trách nhiệm khá lớn, không chỉ với số tiền bạn đóng mà còn phải đảm bảo cam kết bảo vệ như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, với bảo hiểm thì bạn sẽ phải có đủ tiền đóng phí định kỳ thì mới mang lại được những lợi ích như trên. 

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại bảo hiểm cho con như: bảo hiểm an sinh, bảo hiểm giáo dục, bảo hiểm sức khỏe, tích lũy giáo dục… để các gia đình lựa chọn. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ nên tùy khả năng tài chính của gia đình cũng như khoản tiền muốn tiết kiệm để lựa chọn chương trình cho phù hợp.

Trước khi mua, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ về quyền lợi, đặc tính cùng phạm vi bảo hiểm. Rủi ro thường xuất hiện trong trường hợp các phụ huynh mua một sản phẩm bảo hiểm mà không nắm rõ quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình, không tìm hiểu đầy đủ về gói sản phẩm đó cũng như công ty cung cấp, dẫn tới nhu cầu không được đáp ứng trọn vẹn sau này.

Nhiều trường hợp, khi mua không dựa vào độ tuổi của con và tài chính gia đình để chọn loại bảo hiểm phù hợp nên đã chọn gói bảo hiểm giá quá cao (các sản phẩm chuyên biệt dành cho trẻ thường có khoản phí đóng trên mệnh giá bảo hiểm cao hơn so với bảo hiểm sức khỏe) và trong thời gian kéo dài. Khi tài chính khó khăn, cha mẹ cảm thấy mệt mỏi, chán nản đành bỏ dở giữa chừng, gây tốn kém, lãng phí.

Gửi tiết kiệm hay mua bảo hiểm?

Theo báo cáo Chỉ số niềm tin người tiêu dùng vừa được hãng nghiên cứu thị trường Nielsen công bố, Việt Nam là quốc gia có xu hướng tiết kiệm cao nhất thế giới với 72% người dân sử dụng tiền nhàn rỗi vào mục đích tích lũy cho con cái. Con số này tăng 9% so với giữa năm 2017 và tương phản với hành vi phổ biến ở nhiều quốc gia khác là trả nợ hoặc mang đi đầu tư. 

Gửi tiết kiệm tại ngân hàng hay mua bảo hiểm là hai loại hình tiết kiệm tài chính tích lũy cho con đều có những ưu điểm nổi trội. Cụ thể, với gói tiết kiệm ngân hàng, cha mẹ có thể dạy con về cách quản lý tài chính; lãi suất cao hơn bảo hiểm nhưng thấp hơn với tiền gửi thông thường. Gửi tiết kiệm thì có thể gửi bất cứ lúc nào, tất toán chỉ phải chịu lãi suất không kỳ hạn với kỳ mới nhất.

Còn với bảo hiểm, nếu cha/mẹ của trẻ có xảy ra rủi ro, con cái được hưởng quyền lợi từ hợp đồng; lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường, có thể có rủi ro nếu lạm phát lớn. Khách hàng chỉ được gửi theo tháng hoặc năm, khi tất toán hợp đồng phải chịu ràng buộc nhiều chi phí. Thế nhưng, theo cách nhìn nhận của giới chuyên môn, khi quyết định mua bảo hiểm thay vì lựa chọn sản phẩm gửi tiết kiệm cho con, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ để tránh ảnh hưởng đến tài chính gia đình, bỏ dở chương trình bảo hiểm giữa chừng gây tốn kém, lãng phí…

Do đó câu hỏi nên gửi tiết kiệm hay mua bảo hiểm không thể được trả lời một cách chính xác. Để lựa chọn loại hình phù hợp nhất, bạn cần phải cân nhắc trên khả năng tài chính của gia đình.

Nếu thu nhập không ổn định thì việc lập tài khoản ngân hàng để gửi tiền tiết kiệm sẽ thích hợp hơn. Như vậy, bạn sẽ có thể hưởng phần lãi suất để dành cho chi tiêu. Còn nếu có thu nhập tốt và công việc ổn định thì nên mua bảo hiểm, điều này sẽ giúp bạn có sự bảo vệ tài chính cũng như có thể tiết kiệm và đầu tư khoản tiền này một cách hiệu quả.

Dưới góc độ kinh tế, chuyên gia tài chính tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, mở sổ tiết kiệm cho trẻ em là một hình thức bảo hiểm nhân thọ cho con từ nhỏ nhưng linh hoạt hơn. Với một khoản tiền nhỏ hằng tháng, cha mẹ có thể tiêu xài hết hoặc tích lũy cho con qua tài khoản ngân hàng. Gửi ngân hàng vài trăm ngàn đồng/tháng nghe có vẻ ít nhưng nếu tích lũy nhiều năm sẽ thành số tiền lớn giúp cha mẹ nuôi con ăn học. Tiền gửi tiết kiệm dài hạn cho trẻ em cùng với quỹ hưu trí tự nguyện nếu được nhân rộng sẽ là nguồn vốn dài hạn cho đầu tư phát triển xã hội. 

Bạn có thể gửi câu hỏi hoặc chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân cho chuyên mục thông qua địa chỉ email: tuvantaichinh@baophunu.org.vn

Phương Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI