Đừng 'copy' cách giáo dục của người khác đối với con mình

27/11/2017 - 09:55

PNO - Chiều qua, cũng trong phòng làm việc, tôi nghe một cô bạn gọi điện thoại cho chồng với giọng hằn học: "Chiều chở em đi kiếm lớp học đàn piano cho con!"

Ngớ người ra vài giây vì... thông điệp đơn giản vậy mà sao cô bạn tôi lại có vẻ cáu gắt vậy? Hỏi "em định cho con đi học đàn à? thì mới vỡ lẽ ra câu chuyện của cô nàng.

Dung 'copy' cach giao duc cua nguoi khac doi voi con minh
Hãy nói với bé những điều ngọt ngào từ trái tim, rằng bạn tin con mình sẽ hạnh phúc theo cách riêng của bé. Ảnh minh họa

Tôi không nhớ được nguyên văn em kể, nhưng đại khái là vầy: 

- Chị xem nè (mở hình trên Facebook), bây giờ ai ai cũng đưa con đi học đàn để nâng cao khả năng tiếp thu của bé. Thằng con của em hát hay lắm, thuộc biết bao nhiêu bài hát mà mãi đến giờ này ba nó còn chưa chịu cho nó đi học nhạc gì cả. Chậm một chút nữa là thua cả thế giới luôn đó!
- Con em thích chơi piano à?
- Dà em thích đó chị chứ con em thì chưa biết gì đâu, chơi piano mới có vẻ nghệ sĩ được. Giờ mấy đứa nhỏ đều học piano hết đó chị.
- Con em bao nhiêu tuổi rồi?
- Tháng sau là bé 3 tuổi rồi đó chị.

Kết thúc câu chuyện với tôi, cô bạn gấp gấp gáp gáp lên Internet tìm các khóa học piano cho trẻ, cũng suýt soa giá đắt giá rẻ nhưng tóm lại là "vì tương lai của con". Tôi ngồi nghĩ mãi câu "vì tương lai của con". Không sai, thậm chí hoàn toàn đúng theo cách nghĩ của tôi. Nhưng tương lai quan trọng, còn hiện tại có quan trọng hay không?

Chúng ta ai cũng vậy, học hay làm việc gì mà mình cảm thấy thực sự hứng thú thì mới có niềm vui, trẻ con cũng vậy. Định hướng là một chuyện, còn định hướng đúng hay không lại là chuyện khác. Nhưng trong trường hợp của bạn tôi, phải chăng cô ấy đang lấy cuộc đời người khác và kỳ vọng của bản thân áp lên con trai cô ấy?

Ví như con trai tôi năm nay 6 tuổi, tôi đã cho bé tham gia thử các lớp văn nghệ, đàn hát nhưng bé thật sự không hào hứng. Tôi hiểu âm nhạc là phương pháp kích thích tư duy của trẻ, nhưng không nhất thiết phải bắt con mình đối mặt mãi với sở đoản.

Tôi không đưa con đi học đàn nữa nhưng thường bật nhạc Delta khi bé ngủ hoặc khi bé buồn. Khi chơi đùa cùng con, tôi nhận ra bé rất thích và có khả năng nhảy xa, tôi thử đưa con đến câu lạc bộ thể thao thì bé như cá gặp nước.

Dung 'copy' cach giao duc cua nguoi khac doi voi con minh
Ảnh minh họa

Chẳng những chơi vui mà bé còn hợp tác với tôi trong nhiều hoạt động khác, vui vẻ và trò chuyện nhiều hơn cùng mẹ. Có thể tương lai con tôi không giỏi âm nhạc hoặc thậm chí không học giỏi như các bạn cùng lứa, nhưng thời gian này mẹ con tôi rất vui vẻ, hạnh phúc bên nhau.

Tôi có đọc một bài báo của nhà báo Hà Vân mà tôi cho là rất hay, trong đó có một đoạn như sau: Đừng bao giờ có tư tưởng cho con cái là “của đề dành” của cha mẹ. Con cái sinh ra, chúng sẽ có những cuộc đời riêng, hoài bão riêng. Hãy để chúng sống một cuộc đời như ý chúng muốn.

Đừng gây sức ép là chúng phải học giỏi và thành công, đừng gây sức ép là sau này chúng phải chăm lo ngược lại cho cha mẹ. Cũng đừng vì con mình là một đứa trẻ bình thường mà ép chúng phải trở thành người xuất sắc. Cũng đừng nhìn những giấy khen, bằng khen của con người khác mà chạnh lòng. Đừng quá kỳ vọng vào con cái để rồi tạo sức ép lên chúng và tự tạo sức ép cho mình.

Theo tôi, thay vì so sánh con mình với đứa trẻ khác, "sao y" cách giáo dục của các ông bố bà mẹ khác đối với con mình... thì tốt nhất, hãy dành thời gian lướt Facebook đó để trò chuyện, tìm hiểu sở thích, khả năng cũng như điểm yếu của con để tự tìm ra định hướng tốt nhất cho con mình.

Hãy nhớ, dù con của bạn còn nhỏ hay đã lớn cũng đều có suy nghĩ riêng của chúng, có cuộc đời và hoài bão riêng, hãy để chúng sống cuộc đời như ý muốn.

Mẹ Mon

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI