Đứa con được trời trả lại

15/05/2018 - 11:15

PNO - Chức năng não không còn đủ để Thanh thốt được một lời nhưng trong sâu thẳm, anh vẫn nhớ vết thương trên vai mẹ, nhớ cây đinh quá hạn và lời hứa đi làm để dành tiền cho mẹ mổ.

Chiều muộn, vẫn chưa làm kịp các xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, bà Phạm Thị Cúc đẩy xe lăn định đưa con út Lê Văn Thanh về nhà người quen ở Q.Bình Tân tá túc qua đêm. Bỗng trời ào cơn mưa, bà quay xe trở lại. Chiếc chiếu được người lạ cho, bà Cúc đem lót ở hành lang, mẹ con tạm ghé lưng, đợi sáng. 

Trở lại thế gian

Sáng đó, trong khi bà tất tả đẩy xe chạy hết phòng này đến phòng kia để lấy máu xét nghiệm, đo điện tim, chụp x-quang… thì con trai bà vẫn ngồi trên xe lăn, ánh mắt vô hồn, miệng nhễu nhão. Người qua lại thoáng thấy Thanh với khoảng lõm to trên đầu thì nước mắt đã chực trào. Tiếng chặc lưỡi chua xót kèm theo những câu hỏi bỏ lửng: “sao đầu bị móp dữ vậy?”, “có nói chuyện được không?”, “vợ con gì chưa?”… 

Dua con duoc troi tra lai
Bà Cúc húp muỗng cháo thừa của con trai để “cầm hơi”

Năm 2016, khi đi làm vá lốp xe tải ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, anh Lê Văn Thanh (sinh năm 1985, ngụ Nghĩa Hà, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) bị xe máy tông, hôn mê đến 28 ngày mới tỉnh. Bà Cúc nhớ như in khoảnh khắc trời đất trả lại đứa con cho bà năm ấy. Một lần được vào thăm con trong giây lát, bà vui sướng đến nghẹn lòng khi con có tín hiệu hồi đáp lại bà: “Út của mẹ có nhận ra mẹ không, nếu nhận ra thì nháy mắt cho mẹ hay”. Ngày đầu là nháy mắt, ngày sau là nháy mắt hai cái, ngày thứ ba là gật đầu, thừa nhận “thương mẹ”, ngày thứ tư là níu tay khi mẹ sắp rời phòng cách ly.

Dù anh Thanh may mắn cứu được tính mạng với năm lần phẫu thuật nhưng di chứng để lại vô cùng nặng nề: khuyết xương hộp sọ vùng trán đỉnh, thái dương bên trái, liệt tứ chi, hai mắt mờ. Thanh được đưa về quê Quảng Ngãi, còn mảnh sọ được gửi nuôi ở TP.HCM. Bốn chữ “khuyết xương hộp sọ” đi cùng anh Thanh suốt hơn hai năm nay vì ba mẹ quá nghèo. Bà 66 tuổi và ông 75 tuổi, không kiếm đâu ra tiền để đi bệnh viện làm phẫu thuật ráp lại hộp sọ cho con. Nỗi khát khao canh cánh bên lòng ông bà, cho đến một ngày có những tấm lòng nhân ái. Ngày 5/5/2018, anh Thanh được đưa bằng tàu lửa vào Bệnh viện Chợ Rẫy để khám, chuẩn bị cho phẫu thuật ghép sọ. Việc phẫu thuật này không chỉ cho anh Thanh được nguyên vẹn hình hài mà còn hy vọng cải thiện phần nào chức năng não. Vả lại, hiện tại bộ não của anh kề sát da đầu, không có sọ bảo vệ, sẽ nguy kịch nếu có những tác động vô ý từ bên ngoài. 

Theo tư vấn ban đầu của bác sĩ, có thể sẽ phải dùng sọ nhân tạo (riêng chi phí mua sọ nhân tạo khoảng 30 triệu đồng) vì sọ của Thanh đã lưu quá lâu, ít nhiều bị thoái hóa, nếu ghép vào dễ viêm nhiễm, khó tránh khỏi mổ đi mổ lại.

Dua con duoc troi tra lai
Anh trai Thanh phụ mẹ chăm em.

Cùng với người con trai đầu đưa Thanh vào khám, bà Cúc nhanh nhẹn, vừa chạy đi canh số khám, vừa dỗ dành, đút Thanh ăn, lau dọn gọn ghẽ khi Thanh tiểu bừa trên xe lăn, chảy xuống sàn. “Vô duyên nè, ai lại tiểu ra sàn như vậy” - bà Cúc mắng yêu con rồi lúi húi lau. Xong xuôi, bà tươi cười, ôm hôn con: “Mẹ xin lỗi út của mẹ. Út của mẹ mới giật cái tay ra dấu mắc tiểu mà mẹ không để ý để hứng. Đâu phải tại út đâu”. Miệng bà cười nhưng mắt luôn rớm đỏ. Sự không-đồng-bộ ấy đã nhiều năm, do tai ương dồn dập. Mười mấy năm trước, bà bị tai nạn giao thông đa chấn thương, gãy tay khi mới rời quê vào TP.HCM bán vé số được bảy ngày; rồi Thanh bị tai nạn nguy kịch, cháu nội của bà cũng mới ra đi ở tuổi 14 vì bạo bệnh… 

“Cố lên, út ngoan của mẹ”

Thân gầy guộc, đau yếu nhưng bà luôn gắng gượng vì con, rất mực ngọt ngào, kiên nhẫn. Thanh không chịu ăn, thường giãy giụa, quơ đổ cơm hay ăn vào lại phun ra, bà năn nỉ, giả lả kể chuyện vui cho con xuôi chiều, hợp tác. Chỉ có mình bà đút cho con ăn được vì biết ý. Con suy nghĩ điều gì nhưng không nói được, đâm ra bức bối, miệng ư ứ, cánh tay phải giật mạnh, đập liên hồi, bà Cúc phải vuốt giận, vỗ về và nghĩ nát óc đoán ý con. Việc tắm rửa vệ sinh cho con vô cùng vất vả vì bà yếu mà con trai nặng, lại không gồng gượng được tí nào. Nhiều khi mất thế, hai mẹ con té nhào, bà phải chạy mấy quãng đồng để nhờ hàng xóm phụ đỡ con lên. Dìu đỡ con ròng rã nhiều năm, vết thương cũ trên vai, tay bà triền miên đau nhức. Khi ra viện, bác sĩ dặn sáu tháng sau tái khám, lấy đinh ra nhưng vì không có tiền, bà vẫn để đến nay đã khoảng… 12 năm. 

Dua con duoc troi tra lai
Mái nhà nghèo, cũ nát của vợ chồng bà Cúc.

“Số tiền vay nợ họ hàng đã trên 100 triệu đồng, không biết làm sao trả. Hai sào ruộng làm lúa đủ ăn, nếu không có mồ mả ông bà trên đó, vợ chồng tôi cũng bán để trả. Giờ để có chi phí phẫu thuật ráp sọ cho con, vợ chồng tôi không biết đào đâu ra nếu không có những người hảo tâm giúp đỡ” - bà Cúc lắc đầu bất lực. 

Vất vả, quên mình vì con, bà Cúc không gọi đó là hy sinh mà đó chính là cuộc sống, là hơi thở của bà. Khốn khó, nhọc nhằn, bà vượt qua hết bởi con cần bà. “Tôi quý con của tôi lắm. Nó có phước lớn mới sống được thì tại sao tôi không lo cho nó? Nghĩ tội, hồi nhỏ nó lội bộ đi học mỗi ngày cả chục cây số mà túi không có một đồng ăn quà bánh. Vậy mà ai cho bánh, nó cũng dành phần mẹ. Rồi tới năm học lớp 11, nó đòi nghỉ học đi làm để có tiền lo cho ba mẹ ăn uống đầy đủ, trị bệnh và tích lũy tuổi già. Thật, nó làm được bao nhiêu tiền về đưa hết cho tôi, chỉ xin lại 500.000 đồng đi xe. Vợ chồng tôi giục cưới vợ, nó nói không cần vợ con chi, ở vậy với ba mẹ tới già. Mới nói một tháng thì tai nạn ập đến…” - bà Cúc nấc nghẹn.

Thanh quơ tay, đập liên tục phản đối mẹ nhắc chuyện cũ. Khi mẹ buồn, Thanh cố rướn người, kê sát mặt mẹ để nhìn xem đã có giọt nước mắt nào tứa ra chưa và hít một hơi nhẹ - hôn mẹ. Cánh tay yếu ớt cố quờ quạng, xoa nhẹ trên vai mẹ. Chức năng não không còn đủ để Thanh thốt được một lời nhưng trong sâu thẳm, anh vẫn nhớ vết thương trên vai mẹ, nhớ cây đinh quá hạn và lời hứa đi làm để dành tiền cho mẹ mổ. 

Cái siết tay cầu cứu

Chị Huỳnh Thị Sang (người thành lập nhóm Acoustic đường phố Hát ru những mảnh đời ở TP.Quảng Ngãi) cho biết, nhóm đã và sẽ tiếp tục tổ chức sô diễn đường phố để quyên tiền đưa anh Lê Văn Thanh vào TP.HCM điều trị. Chị Sang và các thành viên trong nhóm nhiều lần đến nhà thăm, chỉ khi nghe nhóm đề cập hỗ trợ đưa đi ráp sọ, gương mặt anh Thanh mới giãn ra, hớn hở, tươi cười. Chào từ biệt, chị Sang thắt lòng khi bất ngờ nhận được từ anh Thanh cái siết tay và chị đọc được trong ấy thông điệp cầu cứu. Bà Cúc cho rằng, gương mặt hớn hở lạ lùng đó ở anh Thanh lần đầu tiên sau hơn hai năm, bà mới nhìn thấy. 

* Mọi đóng góp của bạn đọc hảo tâm xin gửi đến Báo Phụ Nữ TP.HCM, số 311 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3, TP.HCM; qua đường bưu điện hoặc tài khoản từ thiện: Báo Phụ Nữ TP.HCM, số 007.100.1049165 Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh TP.HCM. Chúng tôi sẽ chuyển đến tận tay gia đình của anh Lê Văn Thanh. 

Hoài Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI