Chuyên viên tham vấn giúp bạn những gì?

06/07/2018 - 15:09

PNO - Trên mạng có rất nhiều chuyên gia tâm lý dạng "tự nhận" và họ ra sức đánh bóng tên tuổi bằng nhiều chiêu trò. Làm thế nào để không chọn lầm, khi bạn rối nhiễu và cần gõ cửa nơi tham vấn tâm lý?

Khi một người loay hoay, suy sụp bởi những vấn đề tâm lý của bản thân, họ cần gặp một chuyên viên tham vấn. Đây là người sẽ nâng đỡ họ bằng kiến thức khoa học cùng kỹ năng đã được đào tạo bài bản thông qua quá trình trị liệu tâm lý chuyên nghiệp. 

Chuyen vien tham van giup ban nhung gi?
Trong quá trình trị liệu tâm lý cho thân chủ, nhà tham vấn đóng vai trò của một người nâng đỡ. Hình minh họa.

Nghe những điều người khác không nghe được

Điều đầu tiên chuyên viên tham vấn dành cho thân chủ chính là sự lắng nghe với thái độ thấu cảm. Mỗi phiên làm việc thường được đặt lịch đều đặn thống nhất theo sự thuận tiện của cả hai khiến thân chủ có cảm giác mình được chờ đợi, được lắng nghe.

Đôi khi điều thân chủ cần chỉ là ai đó lắng nghe mình một cách chân thành. Chuyên viên tham vấn được đào tạo kỹ năng này, là kỹ năng không phải ai cũng có được. 

Phản hồi đúng lúc

Chuyên viên tham vấn nghe mà không phán xét, không xen vào câu chuyện để đón bắt suy nghĩ của thân chủ. Họ nghe cùng sự phản hồi và nâng đỡ ngay khi thân chủ chịu bày tỏ cảm xúc.

Sự phản hồi giúp thân chủ biết có một người đang hiểu những gì mình chia sẻ, không đánh giá nếu mình sai. Điều này giúp thân chủ dám nói thật điều gì ẩn sau câu chuyện họ mang đến. 

Có góc nhìn khách quan

Trong nhiều trường hợp thân chủ đang gặp các vấn đề như lo lắng, chán chường hoặc rối bời cảm xúc từ công việc, tình cảm… thì họ có khuynh hướng nhìn vấn đề không hoàn toàn đúng như mọi thứ đang diễn ra.

Lúc này, chuyên viên tham vấn nâng đỡ bằng cách giúp họ nhận ra những mâu thuẫn trong niềm tin để họ quyết định mình cần phải thay đổi. 

Giúp nhận diện vấn đề 

Chuyên viên tham vấn làm việc dựa trên chứng cứ khoa học nên họ sẽ không vội vàng kết luận, đánh giá thân chủ của mình.

Thông qua những kỹ năng tham vấn, họ giúp thân chủ dần nhận diện vấn đề của bản thân. Chỉ khi đó thân chủ mới sẵn sàng bước đến giai đoạn đối diện và thay đổi. 


Làm việc với những tổn thương quá khứ

Với nhiều thân chủ, rắc rối tâm lý họ gặp ở hiện tại là hậu quả của những tổn thương tâm lý từng có trong quá khứ. Nhà tham vấn thông qua kỹ năng đặt câu hỏi, gợi mở vấn đề sẽ giúp họ quay lại đối diện với tổn thương trong quá khứ, vượt qua nó và giải quyết khó khăn ở hiện tại. 

Củng cố giá trị của thân chủ

Nếu thân chủ không xác định được giá trị bản thân, bất cứ khó khăn nào cũng sẽ trở thành “khủng hoảng” với họ. Điều này khiến họ không có điểm neo, dễ lung lay, dễ tổn thương, dẫn đến dễ đổ lỗi cho mình hoặc cho người khác.

Vai trò của nhà tham vấn rất quan trọng vì phải giúp thân chủ xây dựng lại hệ giá trị bản thân.  

Giúp thân chủ vạch mục tiêu 

Khi đối diện với vấn đề của bản thân, thân chủ muốn thay đổi nhưng họ chưa biết thay đổi như thế nào thì nhà tham vấn sẽ đồng hành đưa ra những mục tiêu hợp lý.

Nhà tham vấn chỉ cho thân chủ cách thiết lập lại hệ thống niềm tin, nhận thức để từ đó họ thay đổi hành vi theo hướng tích cực hơn.

Chuyen vien tham van giup ban nhung gi?
Nếu không nhẹ lòng sau khi đi tư vấn, bạn cần xem lại chất lượng chuyên viên. Hình minh họa.


“Bày” cách thư giãn và kỹ năng đối diện

Nhà tham vấn trang bị cho thân chủ kỹ năng thư giãn thông qua các bài tập về sự tỉnh thức, thư giãn cơ thể cũng như các bài hít thở sâu, xoa dịu tinh thần.

Khi thân chủ thực hành đủ tốt, họ sẽ tự kiểm soát cảm xúc và bình tĩnh hơn khi đối diện vấn đề của mình. Việc thân chủ tự giúp mình cũng là mục tiêu quan trọng, là đích đến cao nhất của một quá trình tham vấn. 

Thiên Như (theo Better Help)

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI