Chỉ cần cái bếp có lửa

14/06/2018 - 06:00

PNO - Đàn ông thời nay không cần vợ phải công, dung, ngôn, hạnh như người xưa. Nhưng dù nhà trọ hay nhà riêng, biệt thự hay nhà lá… cái bếp có lửa do người đàn bà ân cần nấu nướng cho chồng con, đó đích thực là tổ ấm.

Tôi mới 30 tuổi, đã tốt nghiệp đại học Bách khoa. Như vậy có thể nói tư tưởng tôi rất phóng khoáng trong quan niệm công, dung, ngôn, hạnh của người xưa đối với phụ nữ. Vợ tôi là bạn học cấp III. Cô ấy là con một nên được ba mẹ cưng chiều. Khi yêu nhau, cô ấy thú nhận không biết nấu nướng, không thích bếp núc… Lúc đó, tôi nghĩ phụ nữ không biết nấu nướng chỉ là chuyện vặt. Tôi cười nhẹ nhàng bảo với cô ấy, tôi sẽ nấu cho vợ con ăn.

Chi can cai bep co lua
Ảnh minh họa

Chúng tôi thuê nhà trọ gần cơ quan. Cuộc sống vợ chồng mới cưới thật ngỡ ngàng, thất vọng. Vợ tôi ngoài gương mặt xinh đẹp, học giỏi, công tác tốt… thì chẳng biết làm gì để chăm lo nhà cửa. Sáng, chúng tôi cùng đi làm nên trưa ăn cơm hộp. Chiều, không như nhiều gia đình khác, cả vợ chồng cùng chung tay nấu bữa cơm, vợ tôi mua cơm hộp tiếp. Cô ấy phân công tôi mua nửa tháng, cô ấy mua nửa tháng còn lại.

Thứ cơm nguội lạnh, thức ăn mặn chát, khô khan… đã khiến tôi ngán tận cổ. Tôi chịu khó ghé chợ mua rau, cá, thịt về rủ vợ cùng nấu ăn, nhưng vợ bảo không biết lặt rau, gớm rửa thịt, ghét rửa chén vì sợ móng tay… hư. Vì vậy, tôi nấu cơm vài ngày là thấy… nản.

Quần áo của hai vợ chồng, cô ấy mang về nhà mẹ giặt máy. Giặt xong, lười ủi. Thế là, lần sau cô mang quần áo đến tiệm giặt ủi gần nhà để giặt, ủi một thể. Nhiều lần, tôi giặt tay, phơi khô, cô ấy cũng chẳng đưa tay để ủi một bộ đồ của chính mình. Quần áo tôi bị sứt chỉ cũng chính tôi cầm kim khâu vá. Còn quần áo cô ấy mà bị sứt chỉ thì một là cô ấy bỏ hẳn chiếc áo, chiếc quần đó, hai là cô ấy bỏ ra mấy chục ngàn nhờ thợ sửa quần áo may vá lại.

Chi can cai bep co lua
 

Nói ra mang tiếng nói xấu vợ. Nhưng bước vào cuộc sống hôn nhân mà người vợ sống như những đứa con cưng của ba mẹ ngày trước thì thật là bi kịch cho người chồng. Chính vì phải chi cho những cái không đáng chi, đồng lương của chúng tôi cạn dần vào những ngày cuối tháng. Đó lại là lý do vợ tôi hoãn việc sinh con. Theo cô ấy, sinh ra thì tiền đâu nuôi con và cho ăn học. 

Nhiều buổi chiều, nhìn mấy gia đình công nhân cùng khu nhà trọ, vợ chồng, con cái tíu tít nấu cơm, dọn ra ăn chung và cùng rửa chén… tôi thèm làm sao cái không khí ấy. Mỗi ngày đi làm, vào cơ quan thấy bạn bè được vợ giặt ủi cho bộ quần áo tươm tất hoặc được vợ “ém” cho cà mèn cơm với những món ăn hợp khẩu vị, hoặc chai trà xanh, cà phê được ướp lạnh từ tối hôm qua… lòng tôi thật buồn và lẩn thẩn tự hỏi “có phải mình đã có vợ rồi chăng?”.

Đàn ông thời nay không cần vợ phải đủ công, dung, ngôn, hạnh như người xưa. Nhưng dù nhà trọ hay nhà riêng, biệt thự hay nhà lá… cái bếp có lửa do người đàn bà ân cần nấu nướng cho chồng con, đó đích thực là tổ ấm. 

Duy Tuấn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI