Ruột rà

13/02/2017 - 16:12

PNO - Có những cánh cửa chắn ngang niềm vui và hạnh phúc, mình biết chỉ cần nhấc lên để sang một bên là quang quẻ vậy mà cứ để đấy.

Thím buông người lên bậc thềm, vừa nói với tôi, vừa đưa bàn tay nhăn nheo gầy guộc lên quẹt nước mắt. Thím rúm ró, lọt thỏm trong bộ đồ bộ bông hoa, dãn tay, dãn cổ tuềnh toàng, thút thít. Hai cái xương quai xanh nhô lên gầy trơ. Nhìn thím tự dưng trong tôi ứ lên một cảm giác thương xót. Ví như những lần ngồi thừ người trên băng ghế chờ ba, nhung nhúc ở bệnh viện, những phận người lam lũ cứ lướt qua khua khoắng đâu đó trong sâu thẳm một nỗi buồn. Mỗi lần như vậy, tôi có cảm giác như mình nhặt một hạt sỏi nhỏ, lâu dần, nghe bước chân mỗi ngày một nặng. Con Nị cọ cọ mũi lên bàn tay thím kêu i ỉ.

- Ổng xỉn, về tối ói mửa rồi nóng quá. Em đưa đi bệnh viện. Nhà không có tiền. Anh Hai thương em...

- Có ói ra máu không?

Ba tôi hỏi không nhìn thím. Nắng xuyên qua ô cửa sổ hình thoi với những cuốn sắt cong cong như sợi dây leo của đám ti-gôn mà hồi nhỏ tôi và đám bạn mê man bứt lấy làm vòng hoa đội lên đầu chơi trò cô dâu chú rể làm bể bình bông”, thành một vệt lấp lánh trên mái tóc bạc trắng của ba. Nhiều đêm tôi nghe những cái trở mình khe khẽ, hơi thở dài nén lại nặng nề ở phòng ngoài, chập chờn thắt thỏm theo quả tim hở van của ba, sáng đi làm mắt như hun khói.

Ruot ra
 

Chú là em ruột của ba. Nội tôi chỉ có hai người con, cách nhau 12 tuổi. Hồi bà nội còn sống, tôi nhớ, mỗi lần quần ống thấp ống cao, xấp ngửa đi tìm chú khi người ta báo chú say xỉn ngủ ở đâu đó ngoài bờ ngoài bãi, có khi trong miếu ngoài cây cừa già, lúc nào về bà cũng ngồi thu lại còn một mớ nhỏ xíu như trẻ con lên bảy trong góc bếp. Con Nị lúc đó còn nhỏ, tròn vo như quả bong bóng, cũng liếm tay liếm chân bà rên i ỉ. Bà vuốt ve, ôm ghì nó vô lòng, đến lúc nào nghe tiếng hoảng hốt ăng ẳng bà mới buông ra.

- Ba bây đi. Chưa đầy năm má đẻ nó. Mà lâu thiệt lâu không biết tự nhiên sao má có nó. Má không biết trời thương hay trời đày má? Sao anh em mà hai đứa không có gì giống nhau. Người ta đồn nó không phải con ổng! Ác nghiệt... Lo cho nó giùm má nghe con!

Mỗi lần nhìn ba đăm đắm tưới đám khoai lang quanh khuôn viên phần mộ ông bà, tôi lại nghe văng vẳng lời nội mấy năm trước. Nhiều lúc trời chạng vạng, tối sáng lem nhem, tôi đứng trong nhà thấy ba thấp thoáng sau bụi tầm vông, tay di di miết trên mộ bia của nội. Ba đứng giữa xung quanh rập rờn màu tim tím của những bông lang bum búp như bàn tay em bé chụm lại, tự nhiên nghe lạnh đâu đó sau lưng. 

Bụi tầm vông che gần kín mấy ngôi mộ của ông bà cố, ông bà nội, là nơi gần 30 năm đi ngang bao giờ tôi cũng nghe bước chân mình như chạy. Nếu có thể bằng cách nào mang được quả tim mình ra để nhìn, tôi tin là nó thoi thóp phập phồng như cái đèn trên xe cấp cứu. Sao tôi không thể tập được như ba, ngồi hằng giờ làm cỏ trên nền mộ, kéo đám lang láu táu bò lên mộ bà nội nằm ngay ngắn với bạn bè nó ở dưới đất. Cái gì cũng phải tập rồi sẽ quen, kể cả nỗi sợ hãi. Tôi loáng thoáng có ý nghĩ như vậy nhưng để cho ý nghĩ và hành động gặp nhau không phải lúc nào người ta cũng biết cách và làm được!

- Em không biết làm sao chị Hai. Nhiều lúc em muốn bỏ quách ổng cho xong. Người gì thấy rượu như lân thấy pháo. Nhưng em không biết bỏ ổng rồi thì sao nữa...

- Ừ! Mẹ tôi có cái kiểu rất lạ. Không phải đồng tình hay phản đối mà mẹ “ừ” khi đang mải nghĩ coi người ta nói vậy thì mình phải làm gì nói gì.

- Bao nhiêu năm em quanh quẩn mấy công đất giồng trồng hàng bông. Giờ bỏ đi đâu, làm gì với hai đứa nhỏ. Mà lúc hết rượu ổng cũng được lắm chị. Có rượu vô ổng như ma nhập!

Trời ẩm ương như con nít tuổi dậy thì. Tôi mơ hồ  thấy sượt qua mình điều gì bâng khuâng thương mến cách nghĩ của thím. Ma nhập chứ người gì vậy? Cách nghĩ sao mà lành, sao mà ngơ ngác, sao mà tin yêu của bà nội, của mẹ giờ là của thím.

- Bữa nay chú Út đỡ bệnh chưa thím? Còn bài bạc không?

- Dạ đỡ đỡ! Tiền đâu đánh nữa chị. Chị coi, đôi bông cưới má cho em, ổng cũng lột. Mới hồi khuya, ổng phang vô cẳng em.

- Trời, nào giờ tui đâu nghe chú đánh thím?

- Dạ, nào ngay, tại em. Ổng nhậu hoài, lâu lâu mon men chỗ thằng Liêm chứa bài. Em buột miệng nói ông không giống anh Hai chút nào, hay người ta đồn ông không phải con ông nội là đúng.

- Thím thiệt dại miệng, mang tội với người đã khuất!

 - Dạ em lỡ nói, bịt miệng không kịp, ổng phang cái trái dừa điếc vô chân em. Rồi đi rồi! Em định qua nói anh chị, tiền bữa em mượn thư thư em trả dần. Những 20 chục... 

- Từ từ, để đó không có vội! - Ba tôi đi đâu về cắt ngang lời nói ướt sũng của thím - Thím không cần nói nó là mượn của anh chị!

Thím nhìn sững ba tôi. Mưa cuối mùa ào qua bất chợt sáng sớm, những tàu lá chuối, đu đủ khẽ run rẩy đón thêm cơn mưa cùng với cái lạnh ngày lập đông. Tôi dường như nghe có cái gì nhỏ vào lòng mình tí tách êm dịu như nước nhỏ ngoài mái hiên. Con người mình kể cũng lạ. Có những cánh cửa chắn ngang niềm vui và hạnh phúc, mình biết chỉ cần nhấc lên để sang một bên là quang quẻ vậy mà cứ để đấy. Mỗi ngày thời gian dửng dưng bỏ mình đi, mắt sụp xuống những nỗi niềm, cánh cổng kia xa hơn nặng hơn thì phải? Có nhiều khi nhìn em trai tôi ôm cây guitar lắc lư chăm chút chuẩn bị cho tiết mục văn nghệ trên trường, ba đi ngang vỗ đầu nó cái, thả ra lời nhẹ như gió:

- Y hệt chú Út hồi nhỏ, thím Út mày mê vì cái món này!

Ba tôi bệnh tim đã mấy năm nay. Thi thoảng làm mệt nên không đi xa và không làm gì nặng. Chú không ghé thăm, nhiều năm rồi chú không qua nhà tôi dù hai nhà cách nhau không đầy 200m. Hình như ngày nội tôi theo ông bà, ai lời ra tiếng vào gì đó về việc bà sinh chú ra chỉ đúng chín tháng từ ngày ông tôi mất! Có lần ba tìm chú.

Không biết đã xảy ra chuyện gì mà ngót ngét 10 năm nay, ba tôi cũng lầm lì không nói gì đến chú. Giỗ  nội, tết chỉ có thím và mấy em. Chú chỉ tạt vô đốt cây nhang từ tờ mờ chưa tỏ mặt người, khi ba tôi đằng hắng sau nhà hay lúi húi trong bếp nấu nước pha trà buổi sáng. Tôi nhớ lần trước ba mệt, xe cấp cứu chở ba đi khuất khỏi bụi tầm vông, chú quát con bé Mít:

- Ba không đói. Cơm gì sáng sớm. Mua rượu cho ba!

Con bé lùi lũi ôm cái chai qua quán bà Sáu. Con Nị dường như cũng mơ hồ nhận ra có cái gì đó lợn cợn như miếng xương cá mắc ngang cổ của người lớn mà tình cảm với người bạn nhỏ nó dè dặt lấm lét mờ ám đến tội nghiệp!

Chủ nhật, tôi thư thả cuộn cái mền hoa nhìn chênh chếch khoảng không gian đùng đục bên ngoài, mới nghe văng vẳng tiếng anh trống lười nhà ai gáy te te muộn màng chưa kịp bật cười thì vừng trời đã hé. Sao mà giống cảnh mẹ tôi kêu thằng em dậy, mở cửa phòng, bật đèn, kéo rèm “rột rột”. Sáng trưng. Tiếng ba với mẹ nho nhỏ ngoài nhà:

- Năm nay chắc làm hàng rào phần mộ cho ngon nha bà. Tết rồi.

- Quét mộ làm luôn hử?

- Ờ. Bà nhớ mua đồ hàng mã, hay quên! Ðể mai tui đi kêu thằng Mười đặng nó sắp xếp. 

- Qua nói chú thím một tiếng không ông? Phần mộ dù gì cũng  thuộc phần đất của nó. Ông kêu thợ đem gạch đá tới xây gần đám khoai lang, củ sắn của nó. Mình là anh phải làm phải ông à!

- Ờ. Lát bà đi chợ tạt ngang nói nó.

Tôi cuộn mình như con cuốn chiếu tìm cái ấm áp của đám mền gối ngổn ngang. Tự nhiên tôi nhớ Hai. Hai lấy chồng xa quá! Hồi sinh viên hai chị em ở trọ, cãi nhau như ăn cơm bữa. Có lần Hai đuổi tôi ra khỏi phòng cho khuất mắt! Tôi nhớ mình ngồi bẹp trên vỉa hè Sài Gòn tức tưởi khóc, rồi cũng lướt thướt về. Ngủ đến sáng thức dậy, thấy mình gác nguyên cái chân lên bụng Hai. Hai thức mà vẫn nằm yên không ngồi dậy! Trời se se thế này đã nghe rờn rợn, mũi tôi mấy hôm nay khô không khốc, muốn cảm. Giờ này bên đó, chị tôi nhỏ thó lầm lũi nhấc những bước chân nặng nhọc trong một vùng lòe nhòe tuyết trắng đón xe bus đến chỗ làm. Lạnh quá! Hai nhớ nhà! Nhớ hồi xưa giờ là mẹ với nội sắp làm bánh phồng, bánh tráng rồi mứt gừng mứt bí phải không Bé?”.

Tôi nghe nhoi nhói đâu đó. Nghĩ đến ruột rà sờ sờ mà không ngồi được với nhau nói về hồi đó” má thích vậy, ba thích kia...”. Hai nhớ trăng quê mình hôn? Hồi nhỏ mình cứ tưởng trăng theo mình. Ði đâu cũng theo! Nhà mình như trăng, Hai nhìn lên trời, Hai đi đâu nhà mình cũng bên cạnh Hai!”. Tôi úp mặt xuống gối, mong không nghe cảm giác nước bò lên má nhồn nhột. Ở đâu đó rất gần, tiếng nhiều người lao xao. Tôi vẫn nằm im, nhớ những sáng trời mát thế này hai chị em ôm nhau cười rúc rích.

- Bé ơi! Gọi xe cấp cứu! Nhanh!

- Trời ơi!

Cảm giác như sống lưng lập tức dãn ra, tôi bật dậy nhanh như cái lò xo. Không biết tôi đã lấy giỏ, quần áo, giấy tờ của ba bằng cách nào. Hàng xóm bu đen bu đỏ trước nhà. Ba nằm im, mắt nhắm nghiền. Ðầu tôi ong ong bởi tiếng còi xe cấp cứu, chờn vờn những tiếng được tiếng mất sau lưng.

- Ác nhơn hôn! Ổng bệnh tim mà!

- Thằng Út nợ cờ bạc. Người ta đến cắm đất đòi nợ. Mà nghiệt, ngay phần mộ ông bà Tư...

- Anh Hai mới nghe ổng chết giấc! Ngày nào ổng không tưới đám lang. Tụi  nó giẫm nát. Bà Tư hồi xưa bả thích bông khoai lang...

Mặt nạ dưỡng khí chụp gần hết nửa khuôn mặt ba. 

- Anh Hai ơi...

Chú run rẩy xoa xoa bàn chân đầy sình đất của ba tôi gọi khe khẽ. Xe chạy  nhanh quá, tôi dường như thấy có cái gì ươn ướt trên má ba.

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI