Bạo lực lên tiếng, lẽ phải câm lặng

26/03/2018 - 13:30

PNO - Lại một cô giáo bị đánh ngay tại trường mẫu giáo, ở thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An).

Qua những gì được tường thuật trên truyền thông, mẹ của một học sinh mẫu giáo thấy vết bầm tím trên chân đứa con, nghe kể nguyên do và cho rằng cô giáo có lỗi, bèn tìm đến trường để đánh trả. Sự việc đau lòng xảy ra tức khắc. Cô giáo đang có thai hơn hai tháng bị đánh tả tơi và phải tự cứu đứa con trong bụng bằng cách quỳ xuống xin lỗi. 

Bao luc len tieng, le phai cam lang
Ảnh minh họa

Không ai mong người mẹ đánh cô giáo sẽ bị xử lý hình sự, bởi điều đó đồng nghĩa với mức độ tổn thương về sức khỏe của cô giáo bị đánh rất nặng. Nhưng với bất cứ mức độ xử lý nào, hậu quả đều đã xảy ra. Điều dễ thấy là mối quan hệ giữa gia đình học sinh và ngôi trường cháu học sẽ căng thẳng.

Không khí học đường ở ngôi trường ấy trong những ngày tới sẽ không còn bình thường nữa. Và dĩ nhiên, địa phương nơi vụ việc nguy hại ấy xảy ra sẽ phải có những động thái trấn an dư luận, để bảo vệ nhà giáo và môi trường giáo dục. Hẳn rằng người mẹ có hành vi bạo lực sẽ bị pháp luật xử lý, với mức nhẹ nhất là xử phạt hành chính.

Nhưng có một điều chưa thể dự đoán hậu quả, là sự thay đổi trong tâm lý của chính đứa trẻ - nhân vật trung tâm của câu chuyện. Thử đưa ra vài diễn biến dễ xuất hiện nhất. Khả năng đầu tiên là đứa trẻ khi thấy cô giáo bị mẹ mình đánh sẽ sợ hãi. Nỗi sợ xuất phát từ suy nghĩ là khi đi học trở lại, sẽ bị cô giáo... trả thù! Nỗi sợ ấy sẽ làm nó không muốn đến trường.

Những ngày kế tiếp sẽ là sự bấp bênh trong tâm lý đứa trẻ. Nếu khả năng này xảy ra, dẫu sao cũng đỡ tồi tệ. Một khả năng khác ghê gớm hơn, nó cảm thấy hả hê. Đứa bé sẽ cảm thấy thỏa mãn vì mẹ nó sẵn sàng bảo vệ mình một cách quyết liệt. Đứa trẻ sẽ có trải nghiệm đầu tiên để cho rằng, trường học cũng vẫn là nơi người nhà của nó được quyền sử dụng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề. Và hình ảnh cô giáo phải quỳ xuống xin lỗi là minh chứng để nó tin rằng, kẻ dùng nắm đấm sẽ giành được lẽ phải. 

Một đứa bé mới năm tuổi, tức là con đường đến trường còn rất dài. Nếu trong thế giới tinh thần non nớt ấy có một vết hằn nguy hiểm rằng, bạo lực là thứ ưu tiên để giải quyết các vấn đề, mọi sự sẽ trở nên rất tệ hại. Thầy cô giáo không phải là ngoại lệ, miễn sao sự tức tối cá nhân được đáp trả tức thì.

Bao luc len tieng, le phai cam lang
Ảnh minh họa

Sẽ không ai tưởng tượng được ký ức về cô giáo quỳ trước mặt xin lỗi để tránh đòn sẽ trở thành điều gì trong cuộc đời của đứa trẻ có mẹ đánh cô - và cả những đứa trẻ không may phải chứng kiến cảnh đáng sợ ấy. Ưu tiên sử dụng nắm đấm để phán xử đúng sai, đó hẳn nhiên là một hậu quả lâu dài hơn một sự việc diễn ra trong giây phút ngắn ngủi.

Có một chuyện cũng nên nói thêm ở đây. Người viết được một cô giáo từng quản lý một trường mẫu giáo tại TP.HCM kể về lý do bỏ việc. “Rất áp lực. Mỗi cha mẹ học sinh khi đưa con họ đến trường đều săm soi rất kỹ từng thứ một. Thái độ của họ cứ tạo ra cảm giác rằng, họ luôn tin rằng con họ bị bỏ đói, bị đe dọa, bị nhốt phạt hay đánh đập khi ở trường. Em vẫn biết đôi khi ở đâu đó có sự tệ hại xảy ra do lỗi rõ ràng của những người nuôi trẻ thích đòn roi, bạo lực.

Nhưng thầy cô giáo nào cũng coi trọng công việc của mình, với tư cách giáo viên. Như em đây, em cũng có hai đứa con đi học. Phụ huynh coi con họ như cục vàng, vậy con của giáo viên chẳng lẽ là cục đất? Khi giáo viên không được tôn trọng, sẽ rất khó khăn để dạy dỗ những đứa trẻ. Chúng trở nên bướng bỉnh, dễ hằn học, dễ gây hấn.

Em vẫn muốn đến trường để tiếp tục công việc của một người quản lý, nhưng không còn đủ can đảm. Mỗi ngày đều quá căng thẳng vì sự ám ảnh thường xuyên, sẽ không thể đủ bình tĩnh để làm công việc của mình”. Sẽ thật đau xót, nếu nói rằng cô giáo bỏ việc ấy đã may mắn vì chưa bị phụ huynh nào đánh. 

Khi đã làm cha mẹ, không thể chỉ cố bảo vệ con mình bằng nắm đấm. Sự tổn hại tinh thần sâu sắc cho đứa trẻ lại nằm ở chỗ nó ở “phe thắng cuộc”. Vì đó sẽ là hình mẫu tạo nên những hệ lụy khó lường về sau cho một đời người, khi tham gia vào các quan hệ xã hội.

Đổ lỗi cho xã hội về điều này điều kia đang lây lan như một thói quen phổ biến. Nhưng nhận lỗi về mình, ngay từ trong nhà mình, chưa phải là một thói quen. Khi sự khoan hòa không phải là ưu tiên trong mọi hành xử, không chỉ trường học hay thầy cô giáo bị đe dọa. Khi bạo lực lên tiếng, lẽ phải sẽ cúi đầu câm lặng. 

Vũ Bách

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI