Từ Bến Nghé tới Sài Gòn

28/05/2015 - 06:54

PNO - PN - Nhà báo Trần Nhật Vy lại khiến bạn đọc ngạc nhiên khi anh tiếp tục cho ra tập sách Từ Bến Nghé tới Sài Gòn (NXB Văn hóa Văn nghệ).

edf40wrjww2tblPage:Content

Trước đó, anh đã có một vài tác phẩm khảo cứu tạo được ấn tượng như Mười tám thôn vườn trầu, Chữ quốc ngữ: 130 năm thăng trầm, Kim Vân Kiều truyện (sưu tầm, giới thiệu bản Trương Vĩnh Ký in năm 1911).

Tu Ben Nghe toi Sai Gon

Dù chỉ là “tay ngang” như chính anh tự nhận: “Tôi không phải người chuyên viết sử, cũng không phải người làm công việc khảo cứu mà chỉ là một người viết báo bình thường nhưng nặng lòng với Sài Gòn. Vì vậy, những điều tôi viết, có thể sẽ hời hợt, thiếu chi li, sâu sắc, nhẹ lịch sử mà nặng cảm tính, thậm chí chưa đầy đủ”. Dù khiêm tốn bộc bạch, nhưng tập sách của anh được chú ý, khen ngợi bởi yếu tố “nặng lòng với Sài Gòn”.

Vì lẽ đó, nhà báo Trần Nhật Vy đã tìm nhiều nguồn tư liệu khác nhau nhằm làm sáng tỏ những vấn đề mà anh đề cập đến. Đó là những câu hỏi không dễ dàng trả lời như Thành Phụng ở chỗ nào? Đại đồn Chí Hòa ở đâu? Vì sao Pháp tấn công được đại đồn Chí Hòa? Nước đá tới Sài Gòn lúc nào? Rồi những vấn đề cần được các nhà nghiên cứu “giải mã” như Sự hình thành Bến Nghé, Công chúa Ngọc Vạn, Mả ngụy, Những “ngôi nhà” đầu tiên, Vài nét về chợ xưa Sài Gòn, Vài thay đổi đơn vị hành chánh của Sài Gòn trước năm 1975 v.v…

Thử xem nhà báo Trần Nhật Vy cho biết phạm vi Thành phố Sài Gòn thời Pháp mới sang thế nào. Anh viết: ‘Tuy mang danh xưng “thành phố” từ năm 1861-1862 nhưng tới ngày 15.6.1865 mới có “nghị định lập quy chế thành phố Sài Gòn”. Trước đó, ngày 3.1.1865, ranh giới đô thị Sài Gòn được quy hoạch nằm trong phạm vi “giữa rạch Thị Nghè, sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, đường Cầu Ông Lãnh (Boresse nay là Yersin), một khúc đường đi Chợ Lớn (Lý Tự Trọng), đường Thuận Kiều (Cách Mạng Tháng Tám) rẽ vô đường Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai). Như vậy, thành phố Sài Gòn ban đầu nằm gọn trong hai phường Bến Thành và Bến Nghé của quận 1 hiện nay”. Đọc những chi tiết này, ta thấy thú vị quá, không phải ai cũng có thể biết tường tận như vậy. Không dừng lại đó, những trang kế tiếp anh cho biết sự thay đổi về địa giới Sài Gòn qua năm tháng về sau.

Do khảo cứu từ nhiều nguồn tư liệu nên các vấn đề anh đặt ra đều ngồn ngộn thông tin cần thiết. Có lẽ nhiều đóng góp nhất của anh vẫn là phần khảo cứu, lý giải, tìm tòi về cách quản lý đô thị của Pháp khi họ mới sang Sài Gòn. Anh đưa ra nhiều thông tin, văn bản về các vấn đề thiết thực như quy định về trồng cây xanh, xây dựng nhà, cung cấp nước, điện đường, nhà máy điện, quy hoạch đường xá v.v… Ngoài ra, anh còn có phần Phụ lục đáng chú ý là Người đứng đầu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định -TP.HCM xưa và nay, đủ chi tiết từ tên người đến năm tháng đảm nhiệm chức vụ. Không hề suy đoán, phỏng đoán mà đều được anh trưng ra các chứng cứ thuyết phục, có giá trị lịch sử về văn bản học.

Với tập sách Từ Bến Nghé tới Sài Gòn, tôi ghi nhận là một đầu sách khảo cứu thiết thực về Sài Gòn, cần thiết cho nhiều người. Cần lắm, rất cần nhiều người viết thêm về vùng đất này mà điểm xuất phát phải là tâm thế như nhà báo Trần Nhật Vy tự nhận: “nặng lòng với Sài Gòn”.

LÊ VĂN NGHỆ
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI