Nhiều rào cản, xuất khẩu nông sản vẫn kỳ vọng thắng lớn

28/02/2018 - 11:30

PNO - Đối diện với hàng loạt rào cản từ các thị trường nhập khẩu, nhưng ngành nông nghiệp vẫn kỳ vọng tiếp tục bội thu từ xuất khẩu nông sản trong năm 2018.

Nhiều rào cản…

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay, năm 2018 có nhiều thách thức, đặc biệt đối với ngành hàng thủy hải sản bởi thị trường tiêu thụ các sản phẩm đánh bắt và nuôi trồng đang còn rất nhiều vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng đến sự “sống còn” của nhiều nhà xuất khẩu.

Cụ thể, trong lĩnh vực xuất khẩu thủy hải sản, Việt Nam đang chịu thẻ vàng (IUU) từ thị trường EU. Còn trong lĩnh vực nuôi trồng, dù kiểm soát tốt hơn, nhưng vấn đề khống chế lượng kháng sinh, tạp chất… trong sản phẩm vẫn đang nhức nhối.

Đây là rào cản lớn nhất của nông thủy sản khi tiếp cận những thị trường lớn hay khi muốn mở rộng sang những thị trường mới.

Nhieu rao can, xuat khau nong san van ky vong thang lon
Thủy hải sản xuất khẩu kỳ vọng tiếp tục bội thu trong năm 2018.

Đồng quan điểm, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Vĩnh Hoàn, một doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu cá tra lớn nhất nhì vào thị trường Mỹ, cho rằng, hiện không có sự khác biệt về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm các thị trường nhập khẩu.

Thị trường Mỹ hay Trung Quốc… cũng đều ngặt nghèo như nhau. Thị trường Trung Quốc rất nhiều tiềm năng nhưng không “dễ dãi” như nhiều người lầm tưởng. 

Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, vẫn chưa có được thông tin thị trường xuyên suốt từ cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng hay nông dân. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều nông sản xuất khẩu có nguy cơ rơi vào khủng hoảng thừa.

Chẳng hạn, với ngành hàng chuối, nếu không có thiên tai, thị trường Trung Quốc chỉ thiếu chuối từ tháng 2 đến tháng 5 hằng năm và đó là những tháng họ đẩy mạnh mua sản phẩm từ Việt Nam. Những tháng còn lại họ sẽ không mua chuối của Việt Nam.

Nếu cơ quan phụ trách về thương mại của Việt Nam tại các thị trường nắm rõ đặc thù của thị trường mà nông sản Việt Nam đang nhắm đến để tham vấn cho ngành hay cho các nhà xuất khẩu thì sẽ hạn chế được những rủi ro cho doanh nghiệp và nông dân. 

Chất lượng chuẩn toàn cầu

Trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc gia cầm, một lĩnh vực có sự tham gia của hầu hết các doanh nghiệp và tập đoàn chăn nuôi lớn trên thế giới tại Việt Nam, trong đợt khủng hoảng thừa heo và trước đó là gà đã khiến các doanh nghiệp chuyển hướng.

Sau khi một liên doanh giữa doanh nghiệp trong nước với một đại diện của Nhật Bản xuất khẩu được những lô thịt gà đầu tiên sang thị trường Nhật đã tác động khá nhiều tới hướng đi của ngành này.

Ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chia sẻ, đang có những đánh giá Việt Nam sẽ là bếp ăn của thế giới. Đánh giá này dựa trên hàng loạt những ngành hàng nông sản từ Việt Nam xuất khẩu đi các nước, cho nên không cớ gì sản phẩm chăn nuôi lại đứng ngoài xu thế đó. C.P. đặt mục tiêu xuất khẩu 100 triệu con gà/năm, những năm đầu lượng gà xuất khẩu có thể chỉ khoảng 50 triệu con nhưng sẽ tăng dần.

Nguồn gà này sẽ lấy từ các trại của công ty hay liên kết với nông dân theo hình thức nuôi gia công… Tất cả đều được quản lý và giám sát về chất lượng theo chuỗi giá trị.

“Khi mà chất lượng sản phẩm được kiểm soát theo tiêu chuẩn từ chính những nhà nhập khẩu lớn như Nhật, EU, Mỹ… thì có thể đến bất cứ thị trường nào trên thế giới”- ông Montri cho hay. Vị này cho biết thêm, ngoài chất lượng thì hiện giá thành chăn nuôi gà, heo tại Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các nước nên hoàn toàn có thể xuất khẩu những mặt hàng này.

Năm 2018 là năm ngành thủy sản nói chung và xuất khẩu cá tra nói riêng sẽ vẫn có triển vọng tích cực. Giá cá tra xuất khẩu vượt mốc 3 USD/kg trong năm 2017 tạo đà thuận lợi cho năm 2018. 

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn là chất lượng, chất lượng phải ổn định và Nhà nước cần quản lý chặt chẽ chất lượng thủy sản xuất khẩu. Tránh tình trạng hàng chất lượng kém cũng ồ ạt xuất khẩu gây ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. 

Quan trọng hơn cả, các nhà xuất khẩu cần phải biết nói không với những đơn hàng chất lượng kém, không minh bạch rõ ràng. Việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm phải được quy chuẩn chung, không phân biệt thị trường nào. 

Kế hoạch của thành viên thuộc tập đoàn đến từ Thái Lan đã được Chính phủ Việt Nam ủng hộ. Ngoài con gà, C.P. cũng đặt mục tiêu xuất khẩu thịt heo đi Trung Quốc, Nhật Bản.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2017 là một năm đầy thách thức đối với ngành nông nghiệp khi có tới 16 cơn bão và thời tiết biến đổi bất thường chưa từng thấy, thiệt hại do thiên tai lên đến 60.000 tỷ đồng. Cùng với đó là sự khốc liệt từ thị trường thế giới với rất nhiều rào cản, thách thức, cạnh tranh.

Tuy nhiên trước những khó khăn đó, từ Chính phủ đến các ngành hàng, doanh nghiệp, người dân đều cùng bắt tay vào cuộc và dấu ấn lớn nhất là xuất nhập khẩu nông sản trong năm của Việt Nam đạt được mốc cao nhất từ trước đến nay (hơn 36,37 tỷ USD). Nhiều ngành hàng đã vượt kế hoạch.

Dù có nhiều khó khăn nhưng bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năm 2018 cũng có không ít thuận lợi. Rõ nhất là các nhà xuất khẩu sẽ khai thác những lợi thế từ các Hiệp định thương mại AFTA mang lại; khai thác tốt hơn những thị trường truyền thống như Mỹ và EU… và tiếp tục khai mở những thị trường mới có tiềm năng lớn như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc trong thời gian qua.

Hiện nông sản xuất khẩu còn đang được đẩy mạnh đến những thị trường khác như Ấn Độ, Trung Quốc, ASEAN. Đây là những thị trường lớn, nhiều tiềm năng, nhưng chưa khai thác được nhiều.

Theo ông Cường, rất nhiều ngành hàng đang trong quá trình tổ chức lại nền sản xuất. Luật Thủy sản mới cũng trong quá trình thực thi nên thẻ vàng IUU sẽ được gỡ bỏ bằng mọi giá.

Bà Lệ Khanh cho rằng, năm 2018 là năm ngành thủy sản nói chung và xuất khẩu cá tra nói riêng sẽ vẫn có triển vọng tích cực. Giá cá tra xuất khẩu vượt mốc 3 USD/kg trong năm 2017 tạo đà thuận lợi cho năm 2018.

Theo bà Lệ Khanh, vấn đề lớn nhất vẫn là chất lượng, chất lượng phải ổn định và Nhà nước cần quản lý chặt chẽ chất lượng thủy sản xuất khẩu. Tránh tình trạng hàng chất lượng kém cũng ồ ạt xuất khẩu gây ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Quan trọng hơn cả, các nhà xuất khẩu cần phải biết nói không với những đơn hàng chất lượng kém, không minh bạch rõ ràng. Việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm phải được quy chuẩn chung, không phân biệt thị trường nào. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI