Không thể lãng quên

19/12/2014 - 12:47

PNO - PN - Miền hoang là một trong số ít những tiểu thuyết viết về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1979. Những năm tháng đó, quân tình nguyện Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ quốc tế nhằm cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi nạn diệt...

edf40wrjww2tblPage:Content

Xuyên suốt trong Miền hoang là bốn người lính quân tình nguyện lạc trong rừng, bị đám tàn quân Pol Pot bắt làm tù binh. Từ đó, những ký ức về cuộc chiến được tái hiện với những bi thảm, hào hùng. Có lẽ, do muốn tác phẩm có sức khái quát, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã tận dụng nhiều sự kiện, thông tin có thật. Mở đầu chương 1 là bản tin của Đài phát thanh Băng Cốc ngày 8/1/1979: “Ngày 7/1/1979, quân đội của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được sự hỗ trợ của Quân tình nguyện Việt Nam tấn công vào sào huyệt Khmer Đỏ”; và trong chương 88, chương cuối cùng là phát ngôn của Thống tướng D.MacAthur: “Người lính là người cầu nguyện cho hòa bình nhiều hơn bất cứ ai, bởi chính người lính là người phải chịu đựng và mang những vết thương và sẹo chiến tranh nhiều nhất”.

Nhiều chi tiết chân thực xoáy vào người đọc như có lần nhân vật Tùng tự hỏi: “Vì sao bọn Pol Pot lại diệt chủng đồng bào họ một cách tàn độc như thế?” và ở đó: “Trước mặt anh là bãi chiến trường toàn cây thốt nốt cụt ngọn bởi đạn, mìn trên cánh đồng hoang, rợp trời quạ bay tìm xác chết. Đôi khi bọn anh thiếu thức ăn lấy những con kên kên to như con gà tây bị đạn chết ươn mấy ngày về làm thịt, tống đủ các loại gia vị vào mà vẫn không ăn nổi vì mùi nó tanh hôi như xác chết”. Không nhằm bi thảm hóa chiến tranh, nhưng rõ ràng những chi tiết lấy từ chất liệu thật đã khiến trang viết sinh động hơn.

Khong the lang quen

Thêm một điều cần ghi nhận, Sương Nguyệt Minh đã khéo léo đưa các bài thơ viết từ chiến trường vào tiểu thuyết của mình như các điểm nhấn sinh động. Những bài thơ của Văn Lê, Phạm Sỹ Sáu, Đoàn Tuấn, Lê Minh Quốc… ngồn ngộn chất liệu, âu cũng là một nét riêng của Miền hoang. Với cách dẫn chuyện này, ta thấy ở đó ngoài hư cấu còn thấp thoáng tính chất của sự kiện.

Nhà văn Nguyễn Việt Chiến đã nhận xét đúng: “Miền hoang là tiểu thuyết không phải đọc để giải trí, mà để chiêm nghiệm, suy ngẫm”. Qua sự suy ngẫm, ta nhận ra, dấu ấn của một thế hệ, một cuộc chiến tranh tàn khốc không bao giờ phai nhòa.

 LÊ VĂN NGHỆ

(Đọc tiểu thuyết Miền hoang của Sương Nguyệt Minh - NXB Trẻ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI