Dịch vụ làm tóc miễn phí cho phụ nữ tị nạn tại Mosul

16/02/2017 - 08:50

PNO - Hai lần mỗi tháng, chuyên gia làm chăm sóc tóc Chnoor Khezri lại đến trại tị nạn gần Mosul để giúp phụ nữ Iraq tìm lại vẻ đẹp và niềm vui của mình.

Trong căn phòng nhỏ ở trại tị nạn Hasansham, người phụ nữ 31 tuổi gốc Iran thoăn thoắt chiếc kéo và lược chải tóc, gần đó, chén sáp lột mặt đang nấu chảy. Chnoor Khezri  nói: “Dù nhỏ nhoi nhưng tôi tin mình đã tạo nên điều kỳ diệu”.

Dich vu lam toc mien phi cho phu nu ti nan tai Mosul
Chnoor Khezri đến trại tị nạn hai tuần một lần để giúp những người phụ nữ tìm lại vẻ đẹp của chính mình.

Hơn 3.600 phụ nữ chịu đựng nhiệt độ đóng băng và cuộc sống thiếu thốn trong các túp lều của trại tị nạn, kể từ khi họ chạy trốn khỏi cuộc chiến giữa lực lượng quân đội Iraq và phiến quân IS ở Mosul.

Một số vừa đến cách nay vài ngày, những người khác đã ở từ nhiều tháng, nhưng gần như tất cả đều phải bỏ lại mọi thứ sau lưng.

Dich vu lam toc mien phi cho phu nu ti nan tai Mosul
Lột mặt, cắt tóc, tỉa chân mày, vẽ môi, căn phòng chẳng khác gì một viện thẩm mỹ.

Ban đầu, nhóm phụ nữ miễn cưỡng đi theo cô gái lạ, cảm thấy bối rối khi phải xa chồng con, nhưng nhờ nỗ lực của Khezri, mọi phụ nữ trong khu trại giờ đây đều quen thuộc với thẩm mỹ viện nhỏ của cô.

Dich vu lam toc mien phi cho phu nu ti nan tai Mosul
Nhìn vào gương với mái tóc mới, những người phụ nữ nói rằng họ rất hạnh phúc.

“Tôi giúp họ tân trang mái tóc, lông mày và vẽ môi. Họ không yêu cầu bất cứ điều gì cụ thể. Họ chỉ muốn đẹp hơn” - Khezri, chủ nhân một thẩm mỹ viện ở thành phố Arbil, cách 80km về phía đông Mosul cho biết.

Một trong những khách hàng của Khezri là Mervet. Bà mẹ 30 tuổi chăm chú quan sát những ngón tay của Khezri nhào sáp, thoa lên khuôn mặt của một cô gái trẻ. “Trước khi IS chiếm Mosul, tôi từng làm việc trong tiệm làm tóc. Thật xúc động khi có thể nhìn thấy không gian này một lần nữa,” Mervet nói.

Azhar, 34 tuổi, đến trại tị nạn Hasansham chỉ vài ngày trước đây, sau khi mạo hiểm cuộc sống chạy trốn khỏi bờ tây Mosul, nơi IS chiếm đóng, băng qua sông Tigris để đến bờ đông thành phố.

Dich vu lam toc mien phi cho phu nu ti nan tai Mosul
Chiến sự ác liệt vẫn đang diễn ra ở hai nửa thành phố Mosul.

“Trong nhiều tuần nay, người dân thiếu thốn tất cả mọi thứ do giá cả không ngừng leo thang. Thực phẩm duy nhất bạn có thể tìm thấy ở đây là khoai tây, lúa mì và đậu lăng,” Azhar cho biết.

Kể lại ký ức của mình ở Mosul, Azhar thoáng biểu lộ chút giận dữ nhưng khi nhìn vào gương, cô liền nở nụ cười trở lại.”Tôi không bao giờ nghĩ rằng mái tóc mới có thể làm cho tôi hạnh phúc như vậy,” cô nói.

Dich vu lam toc mien phi cho phu nu ti nan tai Mosul
"Thẩm mỹ viện" là nơi duy nhất giúp những người phụ nữ dành thời gian cho bản thân.

Tiếng lành đồn xa, trước phòng làm tóc là hàng dài những phụ nữ đang chờ đợi, họ cười khúc khích khi nghĩ đến việc cởi bỏ khăn trùm đầu và nhận về mái tóc mới. “Không có không gian cho phụ nữ ở khu trại này, dù có rất nhiều tiệm cắt tóc cho nam giới và khu vui chơi cho trẻ em. Tôi nghĩ rằng mình cần phải nói chuyện với một ai đó ... một nhà tâm lý học” Ghada,  người mẹ hai con 23 tuổi cho biết.

“Khuôn mặt của chúng tôi cháy sạm vì ánh nắng, chúng tôi cần các loại kem dưỡng, và dụng cụ vệ sinh cơ bản. Chúng tôi thậm chí không có áo ngực,” Safa, một phụ nữ đứng cạnh lên tiếng.

Dich vu lam toc mien phi cho phu nu ti nan tai Mosul
Những người phụ nữ đặt hết niềm tin vào tay nghề của cô thợ cắt tóc 31 tuổi.

Khezri minh oan cho họ: “Không cần xấu hổ khi bạn muốn khôi phục lại sự nữ tính của mình. Đặc biệt là trong điều kiện sống khó khăn như vậy”.

Những người tị nạn tại bờ đông thành phố Mosul có thể từng sống bên cạnh những người ủng hộ IS, hoặc có thân nhân ở khu vực do IS kiểm soát. Họ vẫn thường cảm thấy sợ hãi và ám ảnh.

Dich vu lam toc mien phi cho phu nu ti nan tai Mosul
Tuy vô cùng mệt mỏi vì chỉ có một mình, Khezri vẫn luôn hạnh phúc về thành quả công việc.

Lúc mặt trời lặn trên trại tị nạn Hasansham, Khezri thu dọn đồ nghề làm đẹp sau bảy giờ làm việc không ngừng nghỉ, kiệt sức nhưng hạnh phúc.

“Hãy nhìn vào khuôn mặt của họ, cách họ thay đổi. Mọi người đến đây trong tâm dạng e dè và khép kín. Nhưng khi rời khỏi nơi này, họ thoải mái và tự hào vì tìm lại được chính mình”.

Ngọc Hạ (Theo AFP, Al-monitor)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI