Nhập học hai tuần đã... "ra trường"

30/08/2014 - 12:38

PNO - PN - Năm học 2013-2014, Trường THCS Nghĩa An (xã Nghĩa An, H.Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) có 105 em bỏ học. Mới nhập học được hai tuần đã có 76 em... “ra trường”. Hàng loạt học sinh trường Nghĩa An bỏ học nhiều năm qua, nhưng để chấn...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Nhap hoc hai tuan da...

Trường THCS Nghĩa An, "điểm nóng" bỏ học

9g sáng ngày 27/8, tại phòng hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa An đã diễn ra cuộc gặp gỡ, vận động; tìm hiểu về nguyên nhân bỏ học của hai học sinh với sự có mặt của thầy hiệu trưởng Phạm Văn Nghiệp, anh Phan Ngọc Hồng, cán bộ phụ trách thư viện; ông Trần Bảo, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học thôn Phú Trung, xã Nghĩa An; anh Lê Anh Phú, Chỉ huy trưởng quân sự xã Nghĩa An và chị Cao Thị Két, phụ huynh học sinh Đỗ Văn Minh (lớp 6).

Hai cậu học trò, một đứa hiền lành, ngó thẳng, đứa kia ngồi nghiêng ngó ra sân, mặt lạnh như tiền. “Sao, bây giờ cháu có muốn đi học lại không ?” - anh Phú nhìn về Minh và quay sang chị Két, hỏi: “Chị là mẹ nó à?”. “Dạ”. Chị Két ngồi sau lưng con. Gương mặt “muôn năm cũ” của những người đàn bà làng biển, như có thêm những nếp nhăn đùn lên khổ sở. “Em học lớp mấy?”. “Xong lớp 5 rồi, giờ lên lớp 6, nhưng không chịu học”. “Vì sao?”. “Thì thích chơi game, suốt ngày trốn vào tiệm internet”. “Tiền đâu mà chơi game?”. “Tôi cho mười ngàn ăn sáng, nó nhịn, lấy tiền đó thôi”. “Không được - giọng anh Hồng đanh lại - chị “nối giáo cho giặc”, ăn sáng là nấu hoặc mua, bắt ăn, xong chở đến trường, tuyệt đối không cho tiền”. Buồn bã, nhìn con, giọng chị Két tha thiết, như cố níu trước cơn gió biển đang quật: “Đi học con à, kiếm ít chữ!”. Đáp lại lời chị là sự im lặng.

“Cháu nên đi học lại, thất học sau này cực khổ lắm” - tôi nói với chú bé bên cạnh. “Dạ”, em Trần Như Nam nhỏ nhẹ trả lời. Anh Phú cho biết, em Nam con ông Trần Văn Tư ở thôn Phú Trung, học ở lại lớp 6, ba mẹ không cho học tiếp, bắt đi biển, nhưng anh xuống động viên đủ điều, nên họ thay đổi. Hôm nay gọi Nam lên trường dặn dò, giải thích thêm để em tiếp tục đi học lại. “Nam cố gắng nghe! - thầy Nghiệp ôn tồn - chiều em đến, có sách thư viện cho mượn, vở trường cho, cố gắng nhé!”. “Cháu cố lên - ông Bảo như năn nỉ - chú sẽ dùng quỹ khuyến học mua quà tặng cháu”.

Nhap hoc hai tuan da...

Chị Két và con. Chị sợ con bỏ học sẽ hư hỏng

Nghĩa An nào phải vùng sâu vùng xa gì, nhà cửa, đường sá phong quang, từ TP.Quảng Ngãi về đây chỉ chừng 20 phút chạy xe máy. “Hôm kia xã vận động được ba đứa, hôm qua được hai đứa, sáng nay được một đứa đi học lại sau nhiều ngày bỏ học. Tụi tôi khổ và đuối theo học sinh” - anh Phú nói. “Giáo viên còn khổ hơn nhiều - thầy Nghiệp thở hắt ra - xã vận động ra lớp rồi, trách nhiệm còn lại là của trường. Có giáo viên chủ nhiệm một ngày hai-ba lần đến nhà học sinh động viên, nhưng cha mẹ không cho đi, còn học sinh thì lẩn trốn. Có đứa đưa đến, học được một tiết, ra chơi, trèo hàng rào trốn luôn”.

Tôi dò hỏi: “Có phụ huynh nói do chương trình “bãi ngang ven biển” (Chính phủ hỗ trợ, học sinh không đóng học phí, mỗi tháng được cấp 70.000đ - PV) đã cắt hai năm rồi, nên họ hết tiền cho con đi học?”. Anh Phú liền đáp: “Đúng, nhưng đó cũng chỉ là một lý do thôi, dân biển nhiều người muốn con sớm lao động, làm ra tiền, nên lớp 5 là cho nghỉ tuốt”. Chị Két phân trần: “Khổ cực chứ, như tôi đây đi vay nóng hàng ngày phải trả 50.000đ, xã làm sao tạo thêm điều kiện cho phụ nữ có việc làm, chứ chồng đi biển, ở nhà lại sinh tật, từ con nít đến phụ nữ. Đứa em nó học lớp 3, đã nghỉ rồi, giờ đến nó, tôi đau đầu nhức óc mất ngủ vì con, điện cho ba nó đang đi biển ở Hải Phòng, một năm ông mới về một lần, tôi nói: ông ơi con nghỉ học rồi, ổng nói: chuyện đó bà lo, tui lo kiếm gạo đã hết hơi rồi”.

Có báo từng đưa, nơi đây chiều chiều phụ nữ không biết làm chi, nên nhiều người xúm lại đánh bạc, anh Hồng thừa nhận thực trạng đó. “Có phụ huynh khi truyền hình xuống phỏng vấn sao con không đi học, bà nói nhà hàng xóm hai đứa học tới lớp 7, nghỉ một năm, đi biển làm được 70 triệu, mắc mớ chi con tôi không nghỉ. Do tiền mà ra hết, không đi biển thì đi Sài Gòn kiếm tiền, rồi ở nhà bài bạc, chơi bời, cứ thế tụi nhỏ làm theo, học đòi. Chúng tôi khổ sở biết bao nhiêu” - vị cán bộ thư viện kể thêm.

“Thôi, bây giờ em có hai cách chọn - anh Hồng nói "hù dọa" Minh - hoặc sáng lên trường đi học, hoặc mẹ đưa lên phòng công an xã ngồi, trưa về, chiều lên, tối về”. Thằng nhỏ vẫn quay mặt ra đường. “Trả lời thầy và mấy chú đi con, mày đi học, tao sẽ mượn tiền mua cho cái xe đạp mới”. “Không đi” - giọng nó lạnh như nước đá. “Vì sao?”. “Học yếu”. “Yếu sao lên lớp được?”. Minh lặng im.

Mọi người ngao ngán ra về. Chị Két giậm chân: “Trời ơi, nó nghỉ học, rồi sẽ hư hỏng, tôi không biết tính sao”.

 Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI