Bếp của mẹ - Thành công của con

21/10/2018 - 14:00

PNO - Với một số người, bếp của mẹ đã trở thành niềm cảm hứng để phát triển sự nghiệp kinh doanh. Với họ, bí quyết nghề không chỉ là kỹ thuật, công thức chuẩn xác mà còn nhờ gia vị đặc biệt: tình yêu thương, gia tài của mẹ.

Nếu từng xem bộ phim hoạt hình Chú chuột đầu bếp hẳn bạn sẽ nhớ một đoạn phim ấn tượng, khi nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng Anton Ego thưởng thức món ăn của chú chuột Remy tại nhà hàng Gusteau. Hương vị món ăn đã đưa ký ức ông trở về những ngày thơ bé, khi mẹ ông luôn gắn liền với không gian bếp. Và khuôn mặt luôn cau có của Anton Ego bỗng nở nụ cười rạng rỡ mãn nguyện...

Có lẽ ai cũng từng nhung nhớ những món ăn không thể nào quên của mẹ. Với một số người, bếp của mẹ đã trở thành niềm cảm hứng để phát triển sự nghiệp kinh doanh. Với họ, bí quyết nghề không chỉ là kỹ thuật, bằng công thức chuẩn xác mà còn nhờ thứ gia vị đặc biệt: tình yêu thương, gia tài của mẹ.

Mang bún bò 50 năm của mẹ ra xứ người

Khi Hàng Thanh Hải quyết định khởi nghiệp kinh doanh bún bò ở Jakarta (Indonesia), hầu hết người thân, bạn bè của anh phản đối. Người ta không nghĩ anh sẽ thành công khi bán một món ăn đậm mùi ruốc cho khách nước ngoài, chưa kể Indonesia là đất nước đông dân theo đạo Hồi với thói quen ăn uống hoàn toàn khác biệt. Ấy vậy mà chỉ sau ba năm, món bún bò ở nhà hàng Món Việt của Hải lại được nhiều người ưa thích hơn cả phở, chả giò, gỏi cuốn, cơm tấm, bún thịt nướng, bún chả cá… 

Bep cua me - Thanh cong cua con
Món bún bò của mẹ đã giúp anh Hải khởi nghiệp thành công ở Indonesia

Thanh Hải bộc bạch: "Món bún bò cách đây gần 50 năm mẹ tôi nấu thế nào, tôi bán cho người nước ngoài thế ấy. Có lẽ, món bún bò gia truyền ấy được khách nước ngoài yêu mến vì nó chứa đựng cả tình cảm tôi dành cho mẹ trong đó". 

Cách đây gần nửa thế kỷ, quán bún bò của mẹ Hàng Thanh Hải (nằm ở đường Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM) khá nổi tiếng. Khách thường phải xếp hàng chờ mới có chỗ ngồi vào giờ cao điểm. Nhờ quán bún mà mẹ anh nuôi được chín người con khôn lớn. Anh kể: "Mẹ tôi quanh năm tất bật sớm khuya, không rời cái bếp ngày nào. Tôi và các anh chị em cũng thức khuya dậy sớm phụ mẹ, nhìn bạn bè được đi chơi mà thèm. Vì vậy, tôi cứ mong mau học xong đi làm kiếm tiền để mẹ tôi được nghỉ ngơi. Vậy nhưng khi đóng cửa quán, mẹ tôi lại đổ bệnh vì cho rằng con mình đã "phụ" cái nghề từng nuôi con khôn lớn. Điều này khiến tôi áy náy nhiều năm. Về sau, khi khởi nghiệp bằng chính món ăn của mẹ, tôi có cảm giác mình đã "trả được nợ". Dù làm chủ vất vả hơn làm thuê rất nhiều nhưng tôi hài lòng vì ẩm thực là nghiệp đã gắn với tôi từ thuở ấu thơ, từ những ngày cùng mẹ nhóm bếp than hồng, để mùi ruốc sả phảng phất khắp quán nhỏ bên đường...".

Mặc dù thị trường ẩm thực Việt ở Indonesia kén khách, nhưng tiềm năng rất lớn vì đông đảo người bản xứ cũng như du khách nước ngoài đều đánh giá cao ẩm thực nước ta. Thế nên Hải rất tự hào khi trở thành một người truyền cảm hứng về món ăn quê hương ra thế giới; càng tự hào hơn khi để mẹ thấy rằng, anh luôn mang ơn và hãnh diện về cái nghề bà đã nuôi các con nên người.

Món mẹ nấu luôn ngon nhất

Ngô Thanh Hòa là cái tên không quá xa lạ trong giới đầu bếp tiếng tăm. Anh được mệnh danh là "vua đầu bếp" sau cuộc thi MasterChef  Việt Nam năm 2013, nằm trong danh sách mười người được bình chọn là "những người đàn ông có nhiều đóng góp lớn trong nền ẩm thực Việt". Dù khá thành công trong nghề đầu bếp, Thanh Hòa vẫn khẳng định: "Món mẹ nấu luôn ngon nhất". 

Bep cua me - Thanh cong cua con

Dù khá thành công trong nghề đầu bếp, Thanh Hòa vẫn khẳng định: "Món mẹ nấu luôn ngon nhất"

Mẹ Hòa là một phụ nữ miền Trung truyền thống, hiền lành và chăm chỉ. Bà yêu công việc bếp núc đến nỗi đã ngoài 80 vẫn ngày ngày chăm chút cho bữa cơm gia đình. "Hình ảnh mẹ nâng niu từng món ăn, cách mẹ tự tay lựa chọn từng mớ rau, con cá đã ăn sâu vào ký ức tôi và ảnh hưởng đến tôi một cách không ngờ. Đến nay, dù nấu ăn cho mình, cho gia đình hay ở các nhà hàng tôi làm việc, tôi vẫn luôn khắt khe trong việc lựa chọn nguyên liệu, cũng như chăm chút cho từng món ăn", anh nói. 

Bep cua me - Thanh cong cua con
 

Với Ngô Thanh Hòa, một món ăn ngon không chỉ được nấu bằng kỹ thuật mà còn bởi tình cảm của người "tung chảo". "Tôi chinh phục được nhiều thực khách khó tính và những đòi hỏi trải nghiệm ẩm thực mới lạ có lẽ nhờ tấm chân tình từ trái tim, trong đó có một phần tình cảm cũng như niềm tự hào tôi dành cho mẹ. Tôi cũng gửi gắm tình cảm với mẹ cùng những câu chuyện bếp núc, những món ăn ký ức tuổi thơ, hành trình tôi đến với nghề đầu bếp… vào cuốn sách Từ niềm đam mê nấu ăn. Tôi là người có máu nghệ sĩ và trải qua thời tuổi trẻ nông nổi, lắm tham vọng. Chính sự bao dung cùng những lời động viên của mẹ đã giúp tôi tìm lại đúng đường. Có một người mẹ nấu ăn ngon và biết khen ngợi khả năng nấu ăn của con là một may mắn lớn trong đời tôi", Thanh Hòa xúc động chia sẻ. 

Gia vị yêu thương

Chị Trần Phi Diệp, nữ chủ nhân Miyama Café, cũng có một người mẹ yêu gian bếp như thế. "Trong những tháng ngày kinh tế khó khăn, mẹ tôi vẫn luôn cố gắng lựa chọn và nấu những món ngon nhất cho chồng con. Sự tinh tế trong cách nấu ăn của mẹ ảnh hưởng đến tất cả chị em tôi…", chị Phi Diệp tâm sự. "Đến khi trưởng thành, có gia đình và kinh doanh ẩm thực, tôi hiểu rằng những món mẹ nấu rất ngon không chỉ vì tài năng bẩm sinh của mẹ mà còn nhờ những món ăn ấy luôn được nêm gia vị "yêu thương". 

Bep cua me - Thanh cong cua con
Gia vị yêu thương là yếu tố đặc biệt tại Miyama Café

Gia vị "yêu thương" đặc biệt của mẹ đã được chị mang đến cho những thực khách ở Miyama Café, để khách cảm nhận được cái đẹp từ hương vị đến nhãn quan. Để có những loại rau tươi ngon và an toàn cho nhà hàng, Phi Diệp đã đầu tư rất nhiều vào khu vườn rộng lớn của mẹ chị tại Đà Lạt cho việc trồng rau sạch. Ngoài ra, chị còn chọn cách nêm nếm món ăn thật nhẹ nhàng và tinh tế, phát huy tối đa thế mạnh của nguyên liệu tươi, để khách cảm nhận vị ngon ngọt tự nhiên của thịt, rau mà không cần thêm nhiều gia vị. Bí quyết này chị học được từ những ngày thơ bé, ngay trong chính gian bếp của mẹ ở quê nhà.

“Bạn bè thấy tôi chăm chút từng cái cây, kiểm tra từng món ăn ở Miyama thì cho rằng tôi tỉ mỉ giống một người già khó tính. Thật ra, tôi chỉ đang cố gắng để thực khách của Miyama có thể thưởng thức món ăn chỉn chu về cách trình bày lẫn hương vị. Đó là cảm giác "ăn thỏa mãn" như thể tâm trạng tôi mỗi lần trở về Đà Lạt, được tận hưởng cảm giác khoan khoái, hạnh phúc khi được ngồi trong ngôi nhà thơm tho, sạch sẽ; thưởng thức những món ăn vừa ngon vừa đẹp mà mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn để đón chờ con gái trở về".  

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI