Khi chị ghét em

10/11/2013 - 07:50

PNO - PNCN - Tôi là ông bố của hai đứa con, bé trai bốn tuổi và bé gái năm nay học lớp 4, vợ tôi thì thích chăm chút bên ngoài cho con nhưng lại ít khi dạy con cách sống. Con gái lớn của tôi rất ngoan và xinh nên được mẹ, gia đình nội ngoại...

edf40wrjww2tblPage:Content

Sau này em lớn hơn chút, cháu cũng không thích chơi với em, thường cháu ngồi một góc và dọn đồ chơi một mình, có hôm thằng bé giành đồ chơi với chị, vậy là cháu ngắt tay em đến bầm xanh và nghiến răng “tao ghét mày, sao mày lại giành đồ với tao hoài”. Nhiều lần tôi khuyên và dạy con, nói cho con nghe hai đứa là chị em, con là chị thì phải thương em… nhưng đều không có tác dụng. Tôi phải làm sao để con gái hiểu và thương em?

Minh Quân (Q.Gò Vấp)

Khi chi ghet em 

Chào anh Minh Quân,

Băn khoăn mà anh chia sẻ cũng là vấn đề phổ biến ở các gia đình có hai con. Không hiếm các bậc phụ huynh tỏ ra lo ngại trước cách đối xử mà trẻ dành cho em của mình: không nhường nhịn, mắng em và thậm chí đánh em như trường hợp của gia đình anh. Chúng ta không thể im lặng cho qua hay la mắng có lệ. Việc đồng hành cùng trẻ để trẻ xây dựng được quan hệ gia đình tốt với anh chị em mình đòi hỏi một quá trình với những việc làm cụ thể.

Trước hết, con gái lớn của anh ghét em, la mắng, đánh em xuất phát từ chỗ bé vốn “được mẹ, gia đình nội ngoại hai bên cưng chiều hết mực”, bây giờ lại xuất hiện thêm một thành viên mới và mọi người ít nhiều san sẻ bớt sự quan tâm này cho em của bé. Bé cảm thấy mình không còn được ưu tiên, không được yêu thương nhiều nữa.

Chính vì thế, anh cần trò chuyện cùng con để bé thấy rằng có em, mình “được” chứ không “mất”. Đó chính là được làm chị, có quyền chăm sóc em, thể hiện sự trưởng thành trong việc chăm lo cho em - trẻ em đều rất hứng thú với việc được thừa nhận mình “giỏi giang”, “người lớn”. Khơi gợi vai trò làm chị cho trẻ là một trong những cách.

Bên cạnh đó, khi trẻ em chơi cùng nhau rất khó tránh khỏi việc tranh giành, cãi nhau. ứng xử với những trường hợp này anh cần bình tĩnh lắng nghe hết câu chuyện của trẻ. Từ đó, phân xử đúng cho cả chị lẫn em. Các bé lớn thường bị cha mẹ áp đặt “phải nhường”. Chính điều này làm cho trẻ cảm thấy bị thiệt thòi, bị “ra rìa”, từ đó, em nhỏ trong mắt trẻ chính là kẻ “phá bĩnh”, đã “lấy mất” tình thương bố mẹ dành cho mình.

Công bằng trong việc đối xử với các con là điều cần phải làm trong mọi tình huống xảy ra giữa hai trẻ. Sự công bằng này cũng mang những màu sắc rất riêng, ở đó, anh cần cho trẻ - em thấy lỗi của mình để xin lỗi chị, để tránh sự ỷ lại sau này; và chị thấy được sự quan trọng trong vai chị của mình để nâng đỡ, nhường nhịn, yêu thương em - khích lệ để trẻ thực hiện việc này một cách tự nguyện chứ không phải bằng mệnh lệnh, ép buộc.

Một vấn đề rất quan trọng nữa, đó là sự đồng thuận và cùng chung tay tạo dựng một nền tảng giáo dục gia đình vững chắc. Anh cần trao đổi với vợ để cả hai cùng thống nhất cách giáo dục con và dành thời gian cho việc này. Khi trẻ nhận được sự quan tâm đúng cách, thái độ khách quan và tình yêu thương hết mực ở cả cha và mẹ thì ý thức về tình cảm gia đình của trẻ cũng sẽ có điều kiện để hình thành và phát triển.

ThS Tô Nhi A - Trường Cao đẳng Sư phạm TƯ TP.HCM 

Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn

Từ khóa Khi chị ghét em
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI