Thông minh không chỉ là học giỏi

16/07/2014 - 17:02

PNO - PN - Các bậc phụ huynh thường cho rằng trẻ chỉ được gọi là “thông minh” khi học giỏi, đạt điểm cao. Trên thực tế, mọi trẻ em đều thông minh theo cách này hay cách khác.

edf40wrjww2tblPage:Content

Dựa trên những bằng chứng khoa học, hai tiến sĩ giáo dục Gordon Dryden và Jeannette Vos, tác giả của cuốn Cách mạng học tập nổi tiếng thế giới, đã chỉ rõ rằng: mỗi trẻ em có một khả năng riêng, cách học riêng, trong khi hầu như nhà trường đều vận hành như thể tất cả học sinh đều giống nhau. Chưa hết, hệ thống đánh giá và thi cử của nhà trường chỉ nhắm tới việc khen thưởng một số khả năng trí tuệ, những khả năng khác của học sinh bị bỏ qua hay bị coi là “kém thông minh”.

Cuộc cách mạng về trí thông minh tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử giáo dục được khởi xướng bởi giáo sư Howard Gardner thuộc Đại học Harvard, người công bố lý thuyết trí khôn đa thành phần từ năm 1983. Ông đưa ra tám dạng trí khôn, hay còn gọi tám loại hình thông minh, bên cạnh loại trí khôn thứ chín được đề xuất sau này là trí khôn sinh tồn - tâm linh.

Lý thuyết của Howard Gardner đã thay đổi hoàn toàn quan niệm của thế giới về trí thông minh. Người ta bắt đầu nhận ra rằng mỗi đứa trẻ đều tồn tại nhiều dạng thông minh, nhưng mỗi trẻ cũng sẽ có một vài loại hình thông minh vượt trội. Khi biết trẻ có thế mạnh nào đó, bố mẹ và thầy cô có thể dựa vào đó để định hướng cách học tập, nghề nghiệp tương lai cũng như tìm cách phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của trẻ.

Thong minh khong chỉ là học giỏi

Tám loại hình thông minh

Ngôn ngữ

Những lãnh tụ chính trị, các nhà văn xuất sắc hay những người dẫn chương trình nổi tiếng đều có trí thông minh ngôn ngữ vượt trội, thể hiện qua khả năng đọc, nói và viết tốt.

Logic - toán học

Thể hiện qua khả năng suy luận, tính toán và sử dụng tư duy logic. Đây là dạng trí khôn thường gặp ở nhà toán học, kỹ sư, luật sư, kế toán... Những người có trí thông minh này thường có tư duy hệ thống, biết cách phân tích, thích làm việc với những con số tỉ mỉ, giỏi thống kê và kiểm chứng thông tin.

Thị giác - không gian

Những người có trí thông minh kiểu này thường thích tranh ảnh, nghệ thuật, hội họa, có khả năng nhận biết màu sắc, sáng tạo, giỏi tưởng tượng... Khi đi học, những học sinh này thường suy nghĩ bằng hình ảnh, thích xem video, vẽ lược đồ tư duy... Những nghề nghiệp thích hợp là nhiếp ảnh gia, họa sĩ, các công việc trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện hiện đại.

Âm nhạc

Ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công... đều là những người có trí khôn âm nhạc phát triển. Việc cho trẻ tiếp xúc âm nhạc từ sớm, học chơi nhạc cụ không chỉ giúp phát huy thế mạnh cho những trẻ có trí thông minh âm nhạc, mà còn hữu ích với mọi trẻ em.

Cơ thể vận động

Loại hình thông minh này được thể hiện qua khả năng sử dụng đôi tay hoặc cơ thể, điều có thể tìm thấy ở vận động viên thể thao, diễn viên múa, diễn viên xiếc... Những đứa trẻ có khả năng này thường thích học toán bằng thao tác chân tay, thích chơi mô hình, đồ chơi xếp hình Lego, nhảy múa và đi tham quan, dã ngoại.

Hướng ngoại

Những người có trí thông minh hướng ngoại thường dễ dàng hòa nhập với người khác, giỏi giao tiếp, có thể phát huy tối đa thế mạnh khi làm truyền thông, bán hàng, giáo viên, chuyên gia tư vấn... Những học sinh có tài năng này thường thích ở bên cạnh người khác, thích hoạt động nhóm, giỏi lắng nghe, thương lượng, tự tin phát biểu ý kiến...

Nội tâm

Những người thông minh kiểu này hiểu rõ cảm xúc của mình, nhạy cảm với giá trị của bản thân, ý thức cao về bản thân, thích suy nghĩ và nghiên cứu một mình. Những em học sinh hướng nội nên được khuyến khích viết ra những suy nghĩ, viết nhật ký...

Thiên nhiên

Những nhà thám hiểm, nhà tự nhiên học, nhà nông, nhà sinh thái học tương lai có khả năng ý thức về sự cân bằng hài hòa trong thiên nhiên, nhạy cảm với sự lạm dụng môi trường và động vật...

 Hạnh Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI