Chồng ở nhà vào 'giờ vàng' là được

03/01/2019 - 09:00

PNO - Người ta hay nói, yêu nghĩa là hai người cùng nhìn về một hướng. Vậy mà khi lấy nhau rồi, cũng người đời lại bảo, vợ chồng là hai thái cực, không cãi nhau không phải vợ chồng. Có điều gì 'sai sai' ở đây nhỉ?

Một điều khá mâu thuẫn: trong khi cánh phụ nữ thường than vãn rằng, chồng chẳng phụ giúp việc nhà, nếu gặp ông chồng có nhiều chiến hữu, “ai kêu tui đó, có tui đây” thì lời than vãn còn chứa đầy hàm ý giận hờn, trách móc, tủi thân. Hết than thân lại trách phận mình... vô phước, lấy phải đệ tử Lưu Linh. Ủa, vậy sao hồi yêu nhau, một hai sống chết đòi ở chung với cái hũ hèm đó? Nhưng khi có ông chồng chiều nào cũng đúng giờ về nhà, dẫu cắm mặt vào ti vi, xê dịch trong phạm vi chưa đầy 5m trong nhà thì lời than vãn lại kèm theo chút… tự hào, rằng chồng tôi vậy đó, lười như thế đó, nhưng còn hơn vạn lần chồng chị A, B, C, D cứ “chiều chiều lại nhớ chiều chiều”.

Chong o nha vao 'gio vang' la duoc
Ảnh minh họa

Nếu để “thả ga” cho các bà vợ kể tật “xấu” của chồng thì biết đâu chẳng thành trường thiên tiểu thuyết. Kiểu như ông chồng khoái đánh cờ, chiều tan sở về thấy ổng ngồi ngáp vắn ngáp dài, vợ bảo thôi ra đầu ngõ làm ván cờ với mấy ông hàng xóm rồi về ăn cơm, kiểu như cái cách chờ cơm của ông khiến bà thấy vướng. Vậy nhưng, nếu ông vì mê cờ quá, đến giờ cơm kêu hoài không chịu về thì cũng rất dễ nổi cơn “tam bành“. Thêm nữa, đánh cờ đôi khi còn bị lôi kéo theo kiểu… “bầy đàn”, sa đà vào những cuộc tranh luận vô bổ, mang phiền toái về cho vợ con, khiến các bà không an tâm.

Vậy thì thú tiêu khiển nào của chồng mà các bà vợ cho là lành? Có ông chồng mê giải ô chữ. Cầm tờ báo phụ nữ (vốn chỉ dành riêng cho vợ), ông chồng lật ngay trang cuối, vừa coi ti vi vừa giải ô chữ. Thỉnh thoảng lại ngó mông lung, suy nghĩ xem nó là chữ gì, câu hỏi sao mà hóc búa... Có ông mê món... sudoku. Đi làm về là hỏi ngay thằng con xem hôm nay có báo cuối tuần chưa. Trong khi chờ cơm, ông ngồi động não làm… toán cao cấp. Bà vợ dưới bếp thỉnh thoảng lên nhà trên, liếc thấy chồng như vậy thì… hài lòng lắm - chồng mình sao mà giống nhà… toán học. Nhiều ông chồng mê sudoku quá, giải trên báo chưa xi-nhê; vậy là, đi thì thôi, về nhà bật ngay máy tính, mở trang web có sudoku, rồi ngồi cả buổi, vợ kêu không nhúc nhích.

Điều gì khiến ông mê… giải toán đến vậy, bà không quan tâm, chỉ biết rằng, ổng có mặt ở nhà, mắt bà thấy ông làm gì, như thế tốt gấp vạn lần so với việc ổng ngồi chat chit hay coi ba cái thứ tào lao trên mạng, đỡ lo biết bao. Biết lão chat với ai, mạng bây giờ lắm cạm bẫy, là nguy cơ tan vỡ gia đình, bao trường hợp nhãn tiền rồi. Ghen từ mạng ảo ra ngoài đời. Tan đàn sẻ nghé. Nhiều bà vợ còn tính toán, một ông chồng mê ô chữ, sudoku... chẳng những không… tốn tiền, lại là thứ giải trí quá ư lành mạnh, khiến con cái trong nhà có ham chơi cũng phải dè chừng.

Chong o nha vao 'gio vang' la duoc
Ảnh minh họa

Các bà vợ khẳng định, chính việc chồng về nhà đúng giờ, cho dù chỉ ngồi giải ô chữ hay sudoku cũng là một cách giáo dục con. Thậm chí, có bà còn tuyên bố: “Ổng về nhà, không làm gì hết, ngồi đó, đọc báo, xem ti vi, con cái nó cũng thấy… sợ rồi, chúng đi đâu phải về đúng giờ ăn cơm”. Xem ra, theo ý các bà vợ, chỉ cần chồng có mặt ở nhà vào “giờ vàng” là đủ. “Ổng lừ mắt một cái, con cái vào khuôn phép ngay. Không như mình nói ra rả suốt ngày mà chúng có chịu nghe đâu”.

“Trụ cột đó chứ đâu. Cái cột nhà, dù có mục bên trong thì vẫn là cái cột nhà. Thử xem, cây đòn dông đó. Xét kỹ ra, nó có vai trò gì quan trọng ghê gớm lắm đâu trong việc chịu lực của toàn bộ mái nhà, chẳng qua là cây đà cao nhất để gá hai mái ngói. Vậy mà không có không xong. Đã vậy, việc gác đòn dông quan trọng đến chừng nào thì ai cũng biết. Trời sinh ra đàn ông để làm... đàn ông, có “chức vụ” lớn nhất trong nhà. Vấn đề quan trọng là làm sao xứng đáng vị trí cao nhất đó, để những thành viên trong nhà kính nể, tôn trọng, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố chan hòa, thân thiện. Đó mới là tôn ti trật tự của một gia đình hạnh phúc” - một chị kết luận giữa nhóm phụ nữ.

Từ ngàn xưa đến nay, “trụ cột gia đình” vẫn là một quan niệm chẳng bao giờ lạc hậu. Chính vì thế, mâu thuẫn trong thời hiện đại là phụ nữ mong muốn và đặt nhiều hy vọng vào người đàn ông của gia đình, trong khi người đàn ông lại vẫn “ham vui” bên ngoài. Công việc bận rộn cũng là cái cớ để đàn ông “lờ” đi vai trò “trụ cột”. Đến một lúc nhìn lại, đứa con trai mới ngày nào tập nói bi bô bây giờ vỡ giọng, cằm lún phún râu; đứa con gái ra vô phòng là đóng kín cửa, không muốn bố hay mẹ quan tâm thế giới riêng của nó. Tự nhiên “trụ cột” thấy hụt hẫng và tiếc nuối sao thời gian trôi nhanh quá và mình đã bỏ phí biết bao dịp gần gũi con cái, nói chuyện với con.

Vậy thì “trụ cột” hãy làm nhiệm vụ “trụ cột” ngay từ bây giờ, đừng để quá muộn. 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI