Một vòng chợ nổi xứ người

31/01/2018 - 08:32

PNO - Chợ nổi là một địa điểm mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa đặc trưng của những quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong như Việt Nam, Lào, Campuchia. Nhưng Amphawa ở Thái Lan lại cho tôi một trải nghiệm rất khác.

Chợ nổi là một địa điểm mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa đặc trưng của những quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong như Việt Nam, Lào, Campuchia. Nhưng Amphawa ở Thái Lan lại cho tôi một trải nghiệm rất khác.

Mot vong cho noi xu nguoi
 

Thủ đô Bangkok thế kỷ XIX làm gì có những con đường lấp loáng đèn cao áp lẫn với đèn xe, chỉ tuyền những con kênh, con rạch chằng chịt. Mọi hoạt động giao thương của người Thái đều diễn ra giữa bốn bề sông nước. Chợ nổi xuất hiện như một tất yếu, và chẳng mấy ngạc nhiên khi nó nhanh chóng trở thành một phần đời sống văn hóa của người dân xứ sở chùa vàng. 

Khi thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa thống lĩnh toàn cầu, không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, Thái Lan cũng chuyển mình phát triển, bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Những con đường nhựa xuất hiện thay thế cho hệ thống kênh rạch cũ kỹ. Những ngôi chợ nổi cũng thu hẹp dần.

Cho đến nay, nhắc đến chợ nổi ở Thái Lan, có lẽ người ta sẽ nhớ Amphawa, khu chợ nổi tồn tại một cách bền bỉ qua từng ấy năm tháng, lặng lẽ lưu giữ một nét văn hóa Thái xưa còn sót lại giữa cuộc sống vội vã của xã hội đương thời.

Mot vong cho noi xu nguoi
 

Tọa lạc tại tỉnh Samut Songkhram thuộc miền Trung Thái Lan, Amphawa mở ra một khoảng không gian nghệ thuật yên bình, qua từng mái ngói vút cong, qua những món hàng được sắp đặt vén khéo, gọn gàng trong những chiếc ghe nhỏ. Lối vào chợ Amphawa là một lối đi khá hẹp, hai bên là quầy lưu niệm và dăm ba quầy bán đồ ăn vặt.

Càng tiến sâu vào trong, các mặt hàng càng phong phú hơn. Ánh đèn màu vàng cam hắt ra từ các quầy hàng dẫn đến một cây cầu nhỏ, nơi treo một tấm biển ghi vỏn vẹn “Chợ nổi Amphawa” bằng tiếng Anh và cả tiếng Thái.

Không giống như chợ nổi Cái Răng ở xứ mình, du khách dạo chợ Amphawa không có được cái cảm giác ngồi trên ghe và luồn lách bằng mái chèo qua những quầy hàng dập dềnh trên sông nước. Điều này có thể mang lại cho bạn một chút tiếc rẻ, nhưng lại giúp những giao dịch của chợ nổi Amphawa diễn ra trong trật tự và tránh tuyệt đối tình trạng “bội thực” du khách. 

Mot vong cho noi xu nguoi
 

Tại đây, người bán sẽ bày biện hàng hóa trên một chiếc thuyền gỗ neo dọc hai bên bờ sông. Đó có thể là một chiếc thuyền bán áo thun lưu niệm mà du khách nào cũng mua nhưng chưa chắc đã mặc, cũng có thể là một cửa hiệu xăm mình, nằm khép nép ở một góc sông huyền bí, một quầy thủ công mỹ nghệ xanh xanh đỏ đỏ, hay một gian hàng chất đầy đặc sản cá khô…

Tất cả nằm san sát nhau, quay mặt ra dòng nước trôi lững lờ, nhưng trật tự một cách kỳ lạ. Tựa như những cụ già ngồi bên nhau, trầm ngâm ôn lại chuyện xưa cũ. Người mua chỉ việc đến chọn món hàng ưng ý, trả giá, rồi mang đi. Du khách phương xa có thể thong thả ngồi phịch xuống một chiếc ghế gỗ tạm bợ, nhâm nhi bát mì thuyền, xiên thịt heo nướng, vài con tôm hấp hoặc ly trà sữa béo ngậy, rồi ung dung ngắm người qua kẻ lại. Là chợ, nhưng chẳng có gì phải vội vã, ồn ào.

Với tất cả sự thận trọng, tôi khẽ khàng bước lên chiếc cầu dẫn vào khu chợ nổi, như thể chỉ cần một chút vồn vã vô ý, là mọi suy nghĩ hỗn độn trong tôi lúc này sẽ lập tức vỡ vụn. Phút chốc tôi nhận ra, cảm xúc kỳ lạ của mình đến từ khoảnh khắc phát hiện một Thái Lan thuần chất chưa từng bị “xâm lấn” bởi những du khách tóc vàng, mắt xanh, da trắng xa lạ.

Những đôi mắt sâu, làn da nâu giòn của người bản địa đến trao đổi, buôn bán, ăn uống, dạo chơi, làm nên một Amphawa hoàn toàn chân phương không hề lai tạp. Và rồi bất giác, trái tim người khách phương xa chợt dậy lên những yêu mến rất đỗi thật thà.  

Hạnh Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI